'Đầu tàu' trong kết nối tiêu thụ nông sản sạch - Bài 2: Thúc đẩy kết nối giao thương

Để thúc đẩy phát triển giao thương, kết nối cung cầu giữa các tỉnh thành phố với Hà Nội và ngược lại, từ hai năm nay Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều hình thức đổi mới, thiết thực, hiệu quả.

Các chương trình kết nối được xây dựng có kế hoạch và tổ chức với quy mô cấp tỉnh hoặc cấp vùng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Cầu nối giao thương

Trong 2 năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương đưa nông sản, đặc sản các vùng miền về với Hà Nội và ngược lại. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm cho vùng miền khác mà còn kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, Chương trình kết nối giao thương này còn góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng tăng giá, hay thiếu hàng trong những dịp Tết nguyên đán.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội khai mạc Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, nhằm giới thiệu các nông sản, đặc sản các tỉnh đến người tiêu dùng Thủ đô và kết nối với các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Chỉ tính riêng trong tháng 1/2018, Chương trình đã thu hút gần 30 doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu biểu của 3 tỉnh, thành phố trên với các sản phẩm như gạo Tám (Điện Biên), gạo Séng Cù ( Lào Cai), chè Suối Giàng (Yên Bái)... Sản phẩm được giới thiệu và trưng bày là những sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Bà Hoàng Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green (tỉnh Điện Biên) cho hay, gạo là đặc sản của Điện Biên, nhiều người dân Thủ đô mong muốn tiêu dùng sản phẩm này, nhưng trên thực tế, đã có tình trạng là người dân mua phải các sản phẩm nhái thương hiệu gạo Điện Biên. Do đó, tham gia Tuần lễ, Điện Biên không chỉ mang đến sản phẩm gạo mà còn các sản phẩm chè Tủa Chùa, bánh Khảu Sén, cà phê Mường Ẳng… để người dân Thủ đô có thể mua và sử dụng các sản phẩm chuẩn của tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty cũng mong muốn được liên kết, kết nối với các doanh nghiệp của Hà Nội, tạo thành chuỗi tiêu thụ vừa tìm đầu ra ổn định cho nông sản Điện Biên vừa giúp người dân Thủ đô được tiêu thụ sản phẩm thật với giá cả hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Công ty TNHH Tâm Thành (đại diện phân phối các sản phẩm đặc sản vùng miền Lào Cai) cho biết, tham gia Tuần lễ, công ty mang đến các đặc sản đặc trưng của tỉnh Lào Cai với giá cả và chất lượng tốt nhất. Nhằm khắc phục tình trạng sau khi Tuần lễ kết thúc, người tiêu dùng không biết mua ở đâu, công ty có in và phát tờ rơi; trong đó có ghi rõ các địa chỉ và số điện thoại để người tiêu dùng có thể đến mua hàng trực tiếp hoặc mua hàng qua điện thoại...

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Yên Phú (thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã gồm các sản phẩm rau củ quả mang đặc trưng vùng miền, gồm rau an lá, rau gia vị, quả… sản xuất theo mùa vụ. Hiện tại, các sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ trong các cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã cũng đang liên hệ, ký kết hợp đồng bao tiêu đưa rau an toàn vào chuỗi các siêu thị của Hà Nội, và các bếp ăn tập thể của địa phương. Về sản xuất VietGap, hợp tác xã tổ chức ươm cây giống trên khay, sản xuất phân theo công nghệ hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc 4 đúng.

Theo đại diện Công ty cổ phần An Việt, nhiều địa phương trên cả nước có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, song khâu tiêu thụ lại khó khăn. Nguyên nhân chính là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu, khó đáp ứng những giấy tờ cần thiết đáp ứng yêu cầu, thủ tục đặt ra. Muốn đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng hiện đại thì sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ cần thiết. Đây là vấn đề mà các đơn vị sản xuất cần phải đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sáng kiến này của Hà Nội và cho biết, Chương trình Giao thương, kết nối cung cầu là giải pháp quan trọng, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định thị trường.

Chỉ riêng tại hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017, Hà Nội đã có 400 biên bản ký kết, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố, dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết dương lịch, Tết Mậu Tuất 2018, đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016 (trong đó tiêu thụ tại Hà Nội khoảng 20.000 tỷ đồng, phát luồng đi các tỉnh lân cận khoảng 5.500 tỷ đồng). Đặc biệt hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).


Bên cạnh đó, để phát triển được sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao thì xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đang là yêu cầu bức thiết đặt ra. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất ở quy mô lớn hơn thì rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong kết nối hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Hà Nội không chỉ là trung tâm bán lẻ mà còn là trung tâm bán buôn, đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Xu hướng hiện nay là thương mại điện tử. Nếu Hà Nội phát triển được trang thương mại điện tử có uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ giúp thương mại phát triển tốt nhất, không chỉ cho thành phố mà còn cả các tỉnh, thành phố khác.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp với Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do Hà Nội tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trong nước và các hệ thống phân phối tại nước ngoài.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp các tỉnh, thành trong việc thực hiện các chương trình liên kết vùng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế với các địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, kênh phân phối.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức các tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn là hết sức quan trọng. Thông qua đó, vừa giúp nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, hình thành thói quen sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc…

Nam Giang (TTXVN)
Sơn La phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Sơn La phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc, Sơn La có hơn 355.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 27,4% tổng diện tích đất tự nhiên với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, đất đai màu mỡ, rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN