Ngày 20/2, tức mồng hai Tết Ất Mùi 2015, chúng tôi có dịp về “xông đất” huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk - một trong những địa phương có nhiều hộ đồng bào từ nghèo khó đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú, tỷ phú.
Kinh tế trang trại giúp nhiều hộ ở Krông Năng vươn lên làm giàu. |
Thôn Tân Bắc, xã vùng sâu Ea Tóh, cách đây 20 năm là vùng đồi núi heo hút, gần 100 hộ dân ở đây còn nghèo khổ, cứ đến mùa giáp hạt hàng năm là Nhà nước phải cứu đói. Thế nhưng, với nghị lực, ý chí thoát nghèo, đồng bào đã biến nơi đây thành những vườn cây công nghiệp dài ngày trồng cà phê, hồ tiêu có giá trị nhiều tỷ đồng. Hiện nay, hơn một nửa số hộ dân ở đây mỗi năm có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên; trong đó, có 4 hộ thu nhập 1 tỷ đồng, còn lại hầu hết các hộ đều có thu nhập trung bình.
Xe ô tô đi dọc theo con đường cấp phối trong thôn. Hàng loạt ngôi nhà cao tầng, biệt thự nằm xen lẫn trong các vườn cà phê, vườn tiêu đang lên xanh tốt, ngát mùi hương hoa cà phê. Bên mâm cỗ trong ngôi nhà cao tầng khang trang, anh Phạm Văn Quý hồ hởi cho biết: Gia đình có 2 ha đất vườn đồi, những năm trước đây chỉ biết trồng cây lúa rẫy, cuộc sống bấp bênh lắm, thiếu trước hụt sau. Thế rồi, được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, hướng dẫn chuyển đất nương rẫy sang trồng cà phê, trồng tiêu. Anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê, hồ tiêu để về thực hiện ngay trên nương rẫy cà phê, hồ tiêu của gia đình mình.
Nhờ vậy, từ cuộc sống nghèo đói, trong vài năm trở lại đây, gia đình anh Quý đã có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Trong ấm áp của hương Xuân, anh Quý cho biết thêm, với thời giá như hiện nay (cà phê nhân bình quân 40.000 đồng/kg, tiêu đen gần 200.000 đồng/kg), không riêng gia đình anh mà nhiều gia đình khác trong thôn đều có kế hoạch mua ô tô tải, ô tô con để phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, đi lại thuận tiện cho bà con nông dân.
Cách nhà anh Phạm Văn Quý không xa, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nguyện (46 tuổi) có hơn 2 ha cà phê và 1.000 trụ tiêu (gần 1 ha), mỗi năm cũng cho thu nhập trên 600 triệu đồng. Anh Nguyện vui mừng cho biết, người dân mà nghe theo lời Đảng, Nhà nước chí thú làm ăn thì khấm khá thôi. Anh dẫn chứng, ngay trên mảnh đất của gia đình, trước đây trồng cây lúa rẫy còng lưng làm lụng vất vả quanh năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế rồi nghe theo sự hướng dẫn của các cấp chính quyền chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu thì cuộc sống mới có của ăn, của để như hôm nay, có điều kiện lo cho con cái ăn học thành tài, nhà cửa khang trang…
Mặc dù có nguồn thu nhập thuộc diện trung bình của thôn (600 triệu đồng/năm, theo đánh giá của anh) nhưng anh Nguyện bảo, Tết này gia đình cũng tiết kiệm chi tiêu, dành vốn để tái đầu tư cho vườn tiêu, cà phê cho vụ mùa năm sau đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Chương, Trưởng thôn Hoàng Trọng nằm trong tốp làm kinh tế “khiêm tốn” nhất mà trung bình mỗi năm thu nhập cũng từ 200 đến 300 triệu đồng từ vườn hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn…
Trong không khí Xuân, tưng bừng, rộn ràng của ngày đầu năm, anh Vũ Tuấn Sơn, ở thôn Bình An, xã căn cứ cách mạng Dlie Ya (huyện Krông Năng) chia sẻ: Anh rời quê hương Thường Kiêm, Kim Sơn (Ninh Bình) từ năm 1996. Ngày đầu mới vào lập nghiệp ở vùng đất mới Dlie Ya này, cũng như nhiều gia đình khác, cuộc sống gia đình anh vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề, vốn liếng để đầu tư lại không có nhiều. Thế rồi, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, "tích tiểu thành đại”, gia đình làm việc chăm chỉ suốt ngày đêm trên nương rẫy, rồi dần dần có của ăn, của để.
Đến nay, gia đình anh Sơn có 5 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu. Hàng năm, do được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất luôn đạt từ 3,6 đến 4 tấn cà phê nhân/ha và tiêu cũng đạt năng suất cao. Anh Sơn còn kinh doanh thêm phân bón nên thu nhập hàng năm đạt từ 950 triệu đồng trở lên. Không chỉ biết lo làm giàu cho riêng mình, anh Sơn còn giúp đỡ 30 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi trên 150 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng; nhiệt tình tham gia, ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo…
Tạm biệt Dlei Ya, tạm biệt Ea Tó…, mong mùa Xuân đến, Krông Năng thêm nhiều buôn làng tỷ phú để góp phần xây dựng Đắk Lắk ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.
Quang Huy