Người dân xã Quang Hưng đã quá quen thuộc với ông Lưỡng với biệt danh “Lưỡng khùng”. Họ gọi ông là “khùng” cũng bởi trong khi hàng chục hộ nông dân bỏ khu ruộng xấu không canh tác thì ông lại bỏ cả tỷ đồng đầu tư. Thời điểm năm 2011 - 2012 số tiền ấy là quá lớn với những người nông dân nơi đây. Không biết phải bao nhiêu vụ lúa mới thu hồi được số vốn đã bỏ ra, chưa kể chất đất xấu, ruộng nơi thấp nơi cao không thuận lợi cho việc tưới tiêu.
Ông Trần Xuân Lưỡng đi thăm ruộng lúa của gia đình. |
Ông Nguyễn Công Triều, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng kể lại, cánh đồng ông Lưỡng thuê thuộc hai thôn Đông Nghĩa và Tây Nghĩa nằm xa khu dân cư, trước đây người dân dựng lò, đốt gạch. Sau này đất được cải tạo cấy lúa nhưng chất đất chua phèn, sản xuất kém hiệu quả. Nhiều nông dân muốn cho thuê lại ruộng nhưng cũng không mấy ai mặn mà. Nhưng cách nghĩ của ông Lưỡng lại khác… Vượt qua nhiều lời can ngăn từ gia đình và xóm làng, ông Lưỡng quyết tâm theo đuổi kế hoạch của riêng mình. Cuối năm 2011 đầu năm 2012, ông mạnh dạn thuê 30 mẫu ruộng (tương ứng khoảng 12 ha) của những hộ nông dân chán ruộng, bỏ ruộng ở cánh đồng thôn Đông Nghĩa và Tây Nghĩa với giá thuê mức 200.000 đồng/sào/năm để đầu tư lớn với mong muốn cải thiện tư duy làm nông nghiệp, vực dậy đồng hoang. Ông Lưỡng tâm sự: “Nông dân bỏ ruộng thì ai còn dám làm nông nghiệp. Khó thì làm theo cách khó, chứ nhất quyết không bỏ”.
Những ngày đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn, ông Lưỡng gặp nhiều khó khăn. Ruộng xa, đường ra ruộng hẹp nên chỉ riêng việc vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng ra đào mương máng thủy lợi cũng là vấn đề lớn. Bằng quyết tâm cao ông đã san đều khu ruộng mấp mô, thuê người đào đắp gần 3.000 m3 đất củng cố thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi tưới tiêu cho toàn khu ruộng lớn.
Ngoài ra, ông còn huy động vốn đổ 600 m2 sân bê tông làm nơi gieo mạ, phơi thóc. Sau khi đầu tư cải tạo cánh đồng lớn, ông tiếp tục đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất với hệ thống máy bơm tưới tiêu, máy cấy, máy gặt đập liên hợp… Vụ đầu tiên năm 2012 do còn thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả sản xuất chưa cao song ông Lưỡng quyết tâm không bỏ cuộc.
Sau nhiều vụ, năng suất lúa trên cánh đồng hoang ngày nào dần được cải thiện, trung bình đạt 2,2 tạ/sào với các giống lúa BC 15, Bắc thơm, Hương thơm... Tuy nhiên, ông Lưỡng cho biết, đặc thù khu ruộng này xa khu dân cư, đường sá không thuận lợi nên nếu cấy các giống lúa thuần, công phơi rất nhiều vì vậy hiệu quả chưa được tối ưu.
Ông Lưỡng lại tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu giống mới về canh tác. Cuối cùng ông chọn lúa Nhật chất lượng cao làm hướng đi đối với cánh đồng của gia đình. Năm 2015 - 2016, giống lúa này đã mang lại cho ông vụ mùa bội thu, với thu nhập gần 400 triệu đồng.
Ông so sánh, trước đây hợp đồng các giống lúa thuần, sau khi phơi khô giá lúa được bán 5.000 đồng/kg. Còn với giống lúa Nhật này, ông được Công ty TNHH An Bình hỗ trợ khép kín từ giống lúa đến khâu thu mua. Không phải phơi khô, giá lúa này được bán ngay tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, giá vừa cao lại tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Đứng trước cánh đồng lúa lên xanh, không ai nghĩ nơi đây từng là cánh đồng hoang, nông dân ngán ngẩm không muốn canh tác. Không chỉ có công đầu tư cải tạo ruộng mà ông còn tạo việc làm cho nhiều nông dân tại địa phương. Nếu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi khoảng 200.000 đồng/sào. Nhưng khi tham gia làm trên cánh đồng của ông Lưỡng thì mỗi nông dân được trả mức 200.000 - 300.000 đồng/ngày công. Nông dân vừa có việc làm, thu nhập lại cao hơn. Vì vậy, theo ông Lưỡng tích tụ ruộng đất là cần thiết để vươn lên sản xuất quy mô lớn, nhất là đối với tỉnh nông nghiệp như Thái Bình.