Lũy kế hết quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 47.660 tấn hồ tiêu các loại.
Thuế đối kháng từ Hoa Kỳ: Bài toán cho ngành hồ tiêu
Theo ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 47.660 tấn hồ tiêu các loại, gồm 39.853 tấn tiêu đen và 7.807 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 326,6 triệu USD, tăng mạnh 38,6% so với cùng kỳ năm 2024, mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 16,1%. Giá xuất khẩu bình quân tiếp tục tăng ấn tượng,tiêu đen đạt 6.711 USD/tấn (tăng 94,9%), tiêu trắng đạt 8.617 USD/tấn (tăng 73,9%).
Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí lớn nhất trong số các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu hàng đầu cho Hoa Kỳ, đóng góp tới 77% tổng lượng hồ tiêu mà nước này nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo VPSA, mối quan hệ thương mại này đang chịu tác động mạnh từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ. Cụ thể, từ ngày 5/4/2025, Mỹ áp dụng thuế đối kháng tạm thời 10% trong thời gian đàm phán 90 ngày đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế đối ứng tiềm tàng với Việt Nam có thể lên tới 46%, cao nhất trong nhóm chịu thuế. Việc này khiến ngành xuất khẩu hồ tiêu đứng trước nguy cơ giảm mạnh sức cạnh tranh.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, Việt Nam đã cam kết giảm thuế hàng hóa Mỹ về 0%, và mong muốn được đối xử tương xứng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị và thương mại.
Trong khi đó, tháng 2/2025, lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 5.942 tấn, giảm hơn 33% so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu cầm chừng sản xuất, chờ kết quả đàm phán và đánh giá lại hướng xuất khẩu.
Dù tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu quý I/2025 giảm 16,1% so với cùng kỳ, kim ngạch vẫn tăng mạnh 38,6%, nhờ giá xuất khẩu tiêu đen tăng gần 95% và tiêu trắng tăng gần 74%. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ bù đắp rủi ro từ sự bất ổn của thị trường Mỹ, nơi vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA chia sẻ thông tin.
Bà Hoàng Thị Liên lo ngại, nếu không đạt thỏa thuận, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trước các nước có mức thuế thấp hơn như Brazil (10%), Indonesia (32%) hay Malaysia (24%). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “mất trắng”. Ngành hồ tiêu vẫn có thể duy trì một tỷ lệ nhất định tại thị trường này. Nhưng để giữ vững thị phần hơn 20% tại Mỹ là điều khó khăn nếu mức thuế 46% chính thức Trước sức ép đó, Việt Nam buộc phải tái phân bổ sản lượng sang các thị trường khác như EU, Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại những khu vực tiềm năng mới.
Dù mỗi thị trường đều có yêu cầu và tiêu chuẩn riêng, nhưng với đặc thù hơn 90% sản lượng hồ tiêu dành cho xuất khẩu (thị trường nội địa chỉ chiếm phần rất nhỏ), việc đảm bảo đủ đầu ra là điều bắt buộc. Ngành cần chủ động thích ứng để duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định sinh kế cho người trồng tiêu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, về dài hạn, các chính sách thuế quan sẽ buộc ngành hồ tiêu phải tái cấu trúc hệ sinh thái xuất khẩu, phân bổ lại thị trường một cách linh hoạt hơn. “Nếu không giữ được một thị trường, chúng ta cần nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường khác. Dù hiện tại còn nhiều biến động, nhưng ngành vẫn có cơ sở để hy vọng và tiếp tục nỗ lực giữ vững thị phần tại Hoa Kỳ”, bà Liên nhấn mạnh.
Linh hoạt đa dạng thị trường
Không chỉ gặp khó với thuế, ngành hồ tiêu Việt Nam còn đối mặt với rào cản kỹ thuật, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Bà Hoàng Thị Liên cảnh báo, việc nông dân sử dụng bao bì màu trong bảo quản có thể gây nhiễm chất Sudan đỏ, đây la chất cấm trên thị trường quốc tế. “Cần thay ngay bằng bao trắng để đảm bảo quá trình lưu trữ được ổn định lâu dài, đồng thời tránh rủi ro bị từ chối nhập khẩu”, bà Liên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng phun thuốc không kiểm soát bằng máy bay không người lái (drone nông nghiệp) cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng trồng tiêu hữu cơ. Ông Ngô Bá Lương, Quản lý vùng nguyên liệu phía Nam của Công ty Hương Gia cho biết: “Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ làm lây nhiễm thuốc từ vùng canh tác thông thường sang khu vực tiêu hữu cơ, khiến chúng tôi thiệt hại nặng nề. Chúng tôi rất cần một cơ chế quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước”.
Công ty Hương Gia là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất tiêu hữu cơ với hơn 11 năm kinh nghiệm. Mỗi năm, công ty cung cấp khoảng 500 - 700 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng tiêu hữu cơ của Việt Nam, chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đang gặp nhiều khó khăn khi xu hướng sử dụng thuốc hóa học tăng cao do giá tiêu cải thiện.
Ông Lương chia sẻ: “Trước đây, giá tiêu thấp nên người dân ít đầu tư chăm sóc. Nay giá lên, họ bắt đầu sử dụng thuốc để tăng năng suất, kéo theo nguy cơ ô nhiễm cho vùng tiêu hữu cơ. Việc drone nông nghiệp phun thuốc không kiểm soát đang trở thành vấn đề lớn ở Bình Phước và Tây Nguyên. Chúng tôi mong muốn có giải pháp cụ thể để bảo vệ vùng nguyên liệu sạch”.
Ông Ngô Bá Lương trao đổi với báo chí.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, ngành hồ tiêu Việt Nam cần một chiến lược phát triển bền vững và linh hoạt hơn để thích ứng hiệu quả. “Không thể đợi nước tới chân mới nhảy. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu chủ động nâng cao kiểm soát chất lượng từ khâu thu hoạch đến bảo quản, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất bền vững, giảm phát thải carbon và tăng cường giá trị truy xuất nguồn gốc”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, để ngành hồ tiêu phát triển vững chắc trong tương lai, cần ưu tiên một số giải pháp cụ thể như tăng giá trị thương mại thông qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt trong các mô hình xen canh. Song song đó, cần chú trọng ổn định sinh kế cho nông hộ bằng cách thúc đẩy sản xuất bền vững trong hệ thống canh tác kết hợp, đồng thời đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp tái sinh nhằm tăng khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon.
Tổng quan hội nghị về ngành Hồ tiêu trước thách thức thuế quan của Hoa Kỳ.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp Hồ tiêu đang tính đến tái phân bổ sản lượng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Những thị trường này tuy có rào cản kỹ thuật riêng, nhưng nếu đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ là “cửa thoát” quan trọng.
Ngoài ra, theo ông Lê Việt Anh, giá xuất khẩu tiêu tăng cao là tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư nâng chất lượng, đa dạng hóa dòng sản phẩm. Theo đó, việc chuyển hướng sang sản phẩm hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn bền vững đang là xu hướng bắt buộc nếu Việt Nam muốn giữ vững thị phần và tăng giá trị lâu dài. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.