Đánh giá cụ thể, hạn chế rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần có đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo kinh tế - xã hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo kinh tế - xã hội  năm 2021 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Cùng với đó, có một số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính, hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định. 

“Về thị trường trái phiếu, đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về lĩnh vực ngân hàng, theo ông Vũ Hồng Thanh, cần làm rõ các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay,  bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 14; làm rõ tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên. 

Đặc biệt, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Do đó, cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang còn nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Đại diện Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế. Nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Quyết tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023.

Cùng với đó, theo đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. 

“Đề nghị cần báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia so với mức tăng hàng hóa thế giới, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, nhóm hàng này có trọng số là 22,6% cao hơn nhiều so với mức 9,37% của nhóm hàng giao thông trong rổ tính CPI, tuy nhiên, giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới; tiêu dùng khôi phục chậm nhất là tiêu dùng dịch vụ cũng là nguyên nhân hỗ trợ lạm phát của nước ta tăng chậm. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Về tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ các Bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân. 

“Đề nghị báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; trong đó có việc thiếu hụt vật liệu thi công, chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tình trạng chậm tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chậm, dẫn tới phải chuyển nguồn toàn bộ 24.000 tỷ đồng sang năm 2022. Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể dẫn tới việc chậm trễ nêu trên”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thu Trang/báo Tin tức
Khai mạc Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN