Đánh giá chương trình quốc gia của Việt Nam về phát triển nông nghiệp

Trong hai ngày 30/11 và 1/12, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Quỹ Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo Đánh giá Chương trình quốc gia của Việt Nam về việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2025 do IFAD tài trợ, thực hiện tại một số tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Trà Vinh, Bến Tre.

Chú thích ảnh
 Bà Đỗ Thị Minh Hoa (giữa), Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Cạn trao đổi tại hội thảo. 

Là cơ quan chuyên trách về nông nghiệp của Liên hợp quốc, IFAD đã và đang đồng hành cùng với Việt Nam trong 26 năm qua trong những nỗ lực xóa nghèo, hồi phục xanh và bền vững, nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, xác định, đánh giá các hoạt động cần thiết nhằm tăng cường quan hệ đối tác xây dựng chính sách ở cấp khu vực và quốc gia; cũng như hiệu quả chương trình IFAD ở cấp địa phương, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác của Việt Nam, như chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo cũng như các dự án do các tổ chức, đối tác quốc tế khác hỗ trợ; tác động của dịch bệnh COVID-19 và các vấn đề liên quan, khả năng phục hồi và vượt qua những thách thức, cũng như định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025…

Theo ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt về kinh tế, xã hội của Việt Nam, hàng triệu người lao động đã bị mất việc làm hoặc ảnh hưởng thu nhập do COVID-19.

"Nông nghiệp đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam hồi phục sau đại dịch. Dự kiến năm nay, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,9% so với năm ngoái. Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục có sự đồng hành và hợp tác của các tổ chức quốc tế như IFAD trong việc xây dựng các cộng đồng chống chịu với các tác động tốt hơn, phục hồi bền vững, cũng như cho phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước giai đoạn 2020-2025", ông Cường nói.

Ông Thomas Rath, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam cho biết, do đại dịch COVID-19 và những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, sự khan hiếm các nguồn lực. IFAD đề cao sự tham gia tích cực của các cơ quan Chính phủ và các tổ chức đối tác trong việc nâng cao hiệu quả, tính bền vững của các chương trình, kết nối các nguồn lực, đồng thời thúc đẩy chia sẻ các bài học, kinh nghiệm thành công để xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch, hướng tới tương lai.

Trong giai đoạn 2019 - 2025, các dự án do IFAD tài trợ cho Việt Nam có các mục tiêu chiến lược: xây dựng các chuỗi giá trị bền vững cho người nghèo và thu hút đầu tư lớn hơn hơn từ khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường và mở rộng tài chính bao trùm để phát triển các sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy sự phát triển môi trường bền vững và khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu của các hoạt động kinh tế của các nông hộ nhỏ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. 

Ngân sách dự kiến cho giai đoạn này từ nguồn vốn của IFAD là khoảng 43 triệu USD cho kỳ IFAD 11 (2019-2021) và có thể tới 84 triệu USD cho kỳ IFAD 12 (2022-2025).

Trong 26 năm qua, IFAD đã triển khai chương trình tại 11 tỉnh, đem lại các kết quả tích cực cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa, khó khăn, vùng dân tộc thiểu số... bao gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bến Tre, Trà Vinh, Đắk Nông, Gia Lai và Ninh Thuận.

Tin, ảnh: Tiên Minh (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại
Ứng dụng công nghệ hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại

Giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã giúp ngành nông nghiệp Đồng Nai phát triển bền vững hơn, mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao cho người sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN