ĐÁNH BẮT CẢ MÙA SINH SẢN
Trong những năm gần đây, số lượng tôm, cá… trên sông ngòi khắp cả nước đang suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài cá có nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác bừa bãi, đánh bắt tận diệt.Nguồn lợi thủy sản suy giảmNgay tại Hà Nội, việc khai thác tận diệt vẫn đang diễn ra hàng ngày. Ngoài bãi sông Hồng đoạn giữa phố Hồng Hà (Hà Nội) có khoảng 30 thuyền chài chuyên đánh bắt thủy sản trên sông. Đây là những thuyền chài chuyên nghiệp, khai thác quanh năm, kể cả mùa cá sinh sản.
Anh Nguyễn Minh (35 tuổi), có hơn 20 năm làm nghề thuyền chài cho biết: “Trước đây, tôm, cá,… rất nhiều, nhưng vài năm gần đây, do các thuyền chài đều đánh bắt bằng điện nên lượng cá đánh bắt được giảm tới 50% so với trước”.
Nhiều loài cá có nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác bừa bãi, đánh bắt tận diệt. Ảnh: HV |
“Chúng tôi đánh cá quanh năm, vì đây là nghề chính đem lại thu nhập cho cả nhà. Đánh bắt ở đây đã lâu nhưng chúng tôi chưa thấy lực lượng chức năng nào hướng dẫn phải đánh bắt cá to, cá nhỏ hay ngăn cấm đánh bắt trong mùa sinh sản”, chị Phương (vợ anh Minh) cho biết thêm.
Thực tế, nhiều loài cá đang trong mùa sinh sản, người dân dễ dàng mua được những con cá trong bụng đầy trứng. “Tôi vừa mua một con cá chép 1kg của dân thuyền chài, trong đó có gần 200 gram trứng”, chị Hoa (trên phố Hồng Hà) cho biết.
Tương tự, An Giang với lợi thế là tỉnh đầu nguồn của sông Cửu Long, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, có nhiều loài cá giá trị kinh tế lớn, quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Quang Tích (huyện Châu Phú), trước đây cá rất nhiều nhưng hiện nay có đêm anh thả 18 tay lưới, mỗi tay dài hơn 50m, may mắn thì kiếm được khoảng 15kg cá các loại, có hôm phải về không.
Ông Hà Văn Lan, ở xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, An Giang) với hơn 25 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá, cho biết, vài năm gần đây, cá ngày càng hiếm, cá to lại càng hiếm hơn. Hiện đã vào mùa cá nhưng thi thoảng bà con mới bắt được vài con cá quý (như cá hô), không có cá lớn.
Theo Cục Thống kê An Giang, trong 10 năm qua, lượng thuỷ sản khai thác trong tự nhiên đã giảm đến 60%. Trong tổng số gần 2.500 hộ được điều tra thì có gần 1.300 hộ sử dụng xung điện, 840 hộ khai thác cá bằng lưới mắt nhỏ hơn quy định. Tại Long An, vì cách khai thác tận diệt này mà nguồn lợi thủy sản trên các kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm đáng kể và đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Chỉ tính riêng huyện Mộc Hóa (Long An), mỗi năm lượng hải sản tự nhiên bị giảm khoảng 1.000 tấn.
Cái khó bó cái khônĐánh bắt cá bằng các dụng cụ xung điện không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn là “lưỡi hái tử thần” đối với tính mạng của người đi đánh bắt. Anh Nguyễn Minh, ngư dân trên sông Hồng cho biết: “Đánh cá bằng điện rất nguy hiểm, mất mạng như chơi. Chúng tôi biết là nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải làm”.
Nghị định 103/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo quy định, hành vi sử dụng công cụ kích điện, đánh bắt thủy sản có kích thước nhỏ, khai thác vượt quá mức cho phép, trong vùng cấm khai thác, mùa cấm khai thác, thủy sản quý hiếm… có thể bị phạt tới 40 triệu đồng. |
Như trường hợp của anh Võ Thành Đô, sinh năm 1983, ở ấp 2, xã Tân Trạch huyện Cần Đước (Long An). Cuối tháng 9/2014, trong lúc dùng bộ kích điện mua sẵn để bắt cá ở ao nước gần nhà, anh Đô bị điện giật chết. Tương tự tại An Giang, trong năm 2014, huyện An Phú xảy ra hai trường hợp tử vong liên quan đến việc đánh bắt cá bằng điện.
Các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhưng tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản vẫn tiếp tục xảy ra. Theo ông Võ Văn Trạc, Phó Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, đã có những quy định cấm đánh bắt theo mùa, theo vùng, thời gian cấm, kích cỡ đã được quy định. Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã vận động, tuyên truyền cho ngư dân để nâng cao ý thức. Nhưng việc này được thực hiện chưa đủ mạnh mẽ để ngư dân có thể thay đổi nhận thức.
Ông Trương Chí Thông, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đã triển khai nhiều kế hoạch đến cả 14 xã, thị trấn trong huyện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý nạn đánh bắt cá bằng xung điện. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tại các buổi họp dân và trên hệ thống truyền thanh để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Tuy nhiên, “Các hộ vi phạm đa phần là các hộ nghèo, các hộ khó khăn nên khó xử lý ngay được. Phải dần dần chuyển nghề cho họ, năm 2014, có 24 hộ đề xuất chuyển đổi nghề, trong đó 8 hộ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm, nuôi bò, đóng xe đẩy mua bán hàng hóa…”, ông Thông cho biết thêm.
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư khẳng định: “Chính quyền địa phương cần vào cuộc để giải quyết tình trạng này, không để cạn kiệt nguồn lợi thủy sản cũng như gây nguy hiểm tới tính mạng của người dân”.
Hữu Vinh - Công Mạo - Xuân Anh