Phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân ven biển Kiên Giang, Cà Mau có sự đổi thay nhanh do biết tận dụng lợi thế nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, nghề nuôi còn gặp nhiều khó khăn từ hạ tầng giao thông, điện, nước đến con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến thị trường tiêu thụ… đòi hỏi sự phối hợp, gắn kết hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.

 

Tàu thuyền cập cảng An Thới, Phú Quốc (Kiên Giang).
Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, hầu hết cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau, mặc dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long nhưng cơ sở hạ tầng về điện, thủy lợi, cấp thoát nước… của tỉnh hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này, nguồn vốn dự kiến cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi mỗi năm ngân sách của tỉnh chỉ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.


Cà Mau hiện chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản trong khi nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm. Chất lượng con giống nuôi trồng thủy sản cũng rất bấp bênh, khó kiểm soát, tỉnh có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng nằm rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra chất lượng con giống không cao, chỉ đủ cung cấp khoảng 50% nhu cầu. Mặt khác, sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh đáp ứng khoảng 60 - 70% cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, còn lại các doanh nghiệp phải mua bên ngoài, thậm chí có thời điểm nhập khẩu nguyên liệu. Đặc biệt thời điểm tôm chết do dịch bệnh, nguyên liệu đáp ứng chưa đến 50%.


Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hệ thống kênh cấp thoát chưa tách riêng, việc vận hành các cống đầu kênh còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cấp nước biển cho nuôi tôm.


Để phát huy được thế mạnh của địa phương, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Cà Mau đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó lấy quy hoạch làm trọng tâm. Cụ thể, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển theo hướng thành lập các cụm, vùng sản xuất giống tập trung, để hạn chế lây lan mầm bệnh, nhằm nâng cao chất lượng tôm giống và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.


Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng sản lượng tôm còn khá thấp. Để tạo đột phá, năm 2014, Cà Mau tiếp tục giữ diện tích nuôi trồng thủy sản ở mức ổn định hơn 296.000 ha nhưng sẽ phát triển theo hướng tăng năng suất các loại hình nuôi để tăng thu nhập, tăng mức sống của người dân. Trong đó, đẩy mạnh phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ ngành nghề chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi sinh thái, an toàn sinh học, theo hướng VietGap để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

 

Năm 2014, Kiên Giang xây dựng kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 166.598 ha, sản lượng 167.850 tấn thủy sản các loại. Theo chương trình phát triển kinh tế biển Kiên Giang đến năm 2015, diện tích nuôi tôm trong vùng đạt hơn 62.000 ha, trong đó nuôi công nghiệp và bán công nghiệp khoảng 5.000 ha, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng các loài thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

 

Đẩy mạnh diện tích nuôi tôm theo quy hoạch, kết hợp nhiều phương thức nuôi đa dạng như nuôi quảng canh, thâm canh, bán thâm canh, nuôi xen với lúa hoặc luân vụ. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng quy mô và hiệu quả nuôi trồng các loại thủy sản khác như: nuôi cá đồng, cá lồng bè nước ngọt và nước mặn, nuôi nghêu, sò, hến biển ở vùng bãi triều.

 

Việt Âu

 Thừa Thiên - Huế dành 709 tỷ đồng nuôi trồng thủy sản
Thừa Thiên - Huế dành 709 tỷ đồng nuôi trồng thủy sản

Vùng đầm phá và vùng cát ven biển Thừa Thiên - Huế có đến 42 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, rộng hàng chục nghìn ha với khoảng 450.000 người sinh sống, trong đó khoảng hơn 41% dân số đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN