Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 3 (Cục Đường bộ Việt Nam – chủ đầu tư dự án) cho hay, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 (Quảng Trị) có chiều dài 13,8 km với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) được khởi công từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án chỉ hoàn thành được 10% khối lượng.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 3, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo, do dự án sử dụng vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, thời hạn theo hiệp định đã ký được xác định đến 31/12/2022; và vào ngày 12/1/2023, WB đã có ý kiến chính thức về việc không gia hạn hiệp định vay, điều này đồng nghĩa dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đã kết thúc thời gian thực hiện.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn do WB đóng hiệp định, Ban Quản lý dự án 3 cho biết đã báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam để nghiên cứu, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan có thẩm quyền phương án sử dụng nguồn vốn trong nước cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục hoàn thành dự án.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất phương án tạm tiếp nhận lại phạm vi mặt bằng chưa thi công trong thời gian dự án chờ tái cơ cấu lại nguồn vốn và điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tạm bàn giao nguyên trạng đoạn tuyến đang khai thác thuộc phạm vi dự án Quốc lộ 9 để quản lý, khai thác.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án 3, việc gải phóng mặt bằng dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện từ vốn ngân sách địa phương với tổng kinh phí bố trí là 345 tỷ đồng.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai dự án, việc bàn giao, giải phóng mặt bằng diễn ra hết sức khó khăn, chi phí tăng cao so với dự tính ban đầu. Tính đến ngày hiệp định của WB hết hiệu lực (tháng 12/2022) việc bàn giao mặt bằng cho dự án mới chỉ đạt 4,5km/13,8km.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) vay vốn Ngân hàng Thế giới, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2021. Đến tháng 11/2021, dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư và giao cho Tổng cục đường bộ Việt Nam (nay là Cục đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Dự án có chiều dài 13,8km với điểm đầu từ cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và điểm cuối là nơi giao giữa Quốc lộ 1 đoạn Ngã Tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ); quy mô đường cấp II, 4 làn xe; tổng bề rộng nền đường 28m, không bao gồm phần hè đường. Tổng mức đầu tư dự án là 19,05 triệu USD - tương đương 440,37 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021 – 2022.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 là tuyến giao thông quan trọng phía Bắc của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết nối trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Đông Hà với khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, Khu bến cảng Cửa Việt và các khu đô thị, khu công nghiệp đa ngành phía Bắc khu kinh tế Đông Nam... Quảng Trị còn là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây về phía Việt Nam và Quốc lộ 9 là tuyến giao thông huyết mạch nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar…
Hiện trạng đoạn tuyến Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (ngã tư Sòng) được đầu tư xây dựng từ năm 1997 với quy mô đường cấp III đồng bằng, chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khu vực. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường này theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng là rất cần thiết.
Sau khi được đầu tư nâng cấp, tuyến đường góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, vận tải hàng hóa qua cảng Cửa Việt. Đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác các thế mạnh về giao thương hàng hóa, dịch vụ du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.