Chủ động thay đổi
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) – một trong những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi mảng nhiệt điện. Thay vào đó, REE sẽ đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện gió và điện mặt trời. Với mảng điện mặt trời mái nhà, REE định hướng phần lớn sản lượng sẽ bán cho các khách hàng công nghiệp để giảm bớt sự phụ thuộc vào chính sách huy động của EVN cũng như chính sách về giá của nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, kế hoạch chuyển đổi lĩnh vực sản xuất của công ty phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc đặt mục tiêu giảm mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050. Trong 5 năm gần đây, REE đã tập trung phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời. Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ đạt phát thải ròng về 0. Điều đó có nghĩa trước đó các nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch phải dừng hoạt động. Thời gian đến lúc đó không còn nhiều nên đây là thời điểm doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về vấn đề này.
Với kế hoạch chuyển đổi trên, trong những năm gần đây, REE liên tục nhận được các khoản tài trợ thương mại xanh từ các định chế tài chính quốc tế. Mới đây, REE đã nhận khoản tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng từ Ngân hàng HSBC Việt Nam. Thỏa thuận cho vay này sẽ giúp REE phát triển dự án E-Town 6 - tòa nhà văn phòng cao tầng được cấp chứng nhận LEED Bạch kim về thiết kế bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên HSBC cấp một khoản tín dụng xanh cho dự án bất động sản của một doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, REE cũng đã thành công trong việc tìm nguồn vốn tín dụng xanh khi tìm tài trợ cho dự án điện năng lượng mặt trời áp mái ở 2 công ty thành viên, với tổng trị giá 810 tỷ đồng cũng từ HSBC Việt Nam. Sự thành công của REE cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc mạnh dạn tìm kiếm nguồn tài trợ xanh cho các dự án của mình. Đây là vấn đề rất quan trọng trong quá trình huy động nguồn lực bên ngoài để thực hiện giảm phát thải.
Ngành sản xuất giấy tưởng chừng như một ngành gây ô nhiễm, nhưng việc Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO) tiếp cận 200 tỷ đồng tín dụng xanh trong năm 2022 đã khiến không ít người phải thay đổi nhận thức này.
Theo ông Lương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT DOHACO, với mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, DOHACO chỉ tập trung đầu tư vào sản xuất giấy bao bì công nghiệp và thùng carton. Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015, hệ thống quản lý FSC, thường xuyên xem xét việc nâng cấp, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải… Điều đó khẳng định các vấn đề bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường luôn được DOHACO đặt lên hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Điều này cũng cho thấy DOHACO có chiến lược rõ ràng trong việc chuyển đổi sang cân bằng phát thải; đồng thời, có tầm nhìn và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy khi doanh nghiệp có sự chủ động trong tư duy về vấn đề phát triển bền vững thì việc tìm kiếm sự trợ lực từ bên ngoài sẽ dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế đang có xu hướng chảy về các dự án bền vững, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, dòng vốn mới ưu tiên chảy về khu vực tư nhân cũng giúp giảm áp lực nợ công lên Chính phủ.
Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu đã làm cạn kiệt nguồn lực công. Do đó, khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước sang mô hình tăng trưởng carbon thấp với điều kiện có các chính sách và môi trường phù hợp.
Một số chương trình quan hệ đối tác dự kiến sẽ làm việc với các đối tác nhà nước và tư nhân của Việt Nam để khơi thông nguồn vốn tư nhân cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu ưu tiên về phát triển và khí hậu, đặc biệt trong những lĩnh vực tăng trưởng then chốt như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, sản xuất và du lịch.
Đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức tín dụng
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, các nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân khoảng 50% nhu cầu, tương đương 3,4% GDP mỗi năm. Điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.
Theo WB, tài chính xanh ở Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai và chính sách công có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng vượt qua những nút thắt bên trong và bên ngoài thông qua các cải cách quy định và ưu đãi cho cả bên cung cấp tín dụng và bên đi vay.
Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế thì việc kêu gọi, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng cho tiến trình xanh hóa nền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, nếu như trước đây tín dụng xanh chỉ là “khẩu vị” của một số ngân hàng thì sau COP 26 các ngân hàng sẽ có thêm động lực thúc đẩy mảng tín dụng này. Một số ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động tài trợ cho doanh nghiệp, dự án tăng trưởng bền vững nhằm đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), ngay sau COP 26 cuối năm 2021, HDBank đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá 700 triệu USD với các đối tác nước ngoài là Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp), DEG (định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức) và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity về nội dung phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội.
Năm 2022, HDBank và IFC tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh đề đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh. Đồng thời, ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế.
Bài 3: Tiềm năng trái phiếu xanh