Theo đó, đối với nguồn vật liệu cát đắp nền cho toàn dự án Vành đai 3 khoảng 7,2 triệu m3, theo báo cáo của Tổ công tác vật liệu liên tỉnh, nguồn cát đắp nền đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%). Khối lượng này sẵn sàng phục vụ cho việc khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024 và đầu năm 2025.
Riêng đối với 1,4 triệu m3 cát đắp nền còn lại phục vụ thi công năm 2025, Tổ công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các mỏ có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ khối lượng này và sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương trong thời gian tới. Trước đó, đất đắp nền, cát xây dựng các địa phương có tuyến đường đi qua cơ bản đáp ứng đủ.
Với dự án thành phần 1 (các gói thầu xây lắp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh), ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, hiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 4 gói thầu xây lắp đã được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh thẩm định và đã được Ban Giao thông phê duyệt. Từ nay đến cuối tháng 6/2023, Ban Giao thông triển khai tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình.
Trong khi đó, đối dự án thành phần 2 (bồi thường, giải phóng mặt bằng), hiện thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án. Ban Giao thông đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho các địa phương với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân; dự kiến bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.
Dự án Vành đai 3 dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng, đi qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tại TP Hồ Chí Minh, dự án có chiều dài khoảng 47,51 km trên địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.