Đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường xây dựng hạ tầng

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường (VSMT) tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án giao thông (Bộ GTVT), các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát triển khai khá đồng bộ, hiệu quả.

Giám sát chặt trên công trường

Bộ GTVT vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BGTVT của Bộ GTVT về đảm bảo ATGT, ATLĐ trên công trường xây dựng hạ tầng, trong đó nêu rõ, thời gian qua, nhận thức của các nhà thầu và người lao động về ATLĐ, ATGT trên công trường xây dựng đã từng bước được cải thiện, nhiều công trình, dự án đã được thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ quan, góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh tại các địa phương.

Chú thích ảnh
Đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trên công trường xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại không ít gói thầu/dự án, công tác đảm bảo ATLĐ, ATGT, VSMT vẫn còn tồn tại, hạn chế, để xảy ra tai nạn lao động. Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATLĐ, ATGT, VSMT; nhận thức của các đơn vị về ATLĐ chưa đầy đủ; nhiều công trường còn thiếu biện pháp cảnh báo, phòng ngừa; người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, ATLĐ, VSMT trong quá trình thi công.

Để tăng cường công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT trong thi công các công trình hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị thi công và người dân khu vực dự án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT trong thi công, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, chấp thuận biện pháp đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT và chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT trong thi công theo đúng biện pháp thi công đã được chấp thuận và theo quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; yêu cầu các nhà thầu thi công tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc quản lý đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT trong quá trình thi công. 

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu đối với nhà thầu giám sát phải kiểm tra hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT khi thi công xây dựng của nhà thầu trước khi trình chủ đầu tư chấp thuận; chấn chỉnh kịp thời việc triển khai trên công trường thi công về phương tiện, máy móc, nhân lực; kiên quyết tạm dừng thi công nhà thầu có dấu hiệu vi phạm về ATGT, ATLĐ, VSMT và yêu cầu nhà thầu thực hiện các biện pháp khắc phục.

Riêng đối với các vị trí công trường có nguy cơ gây mất an toàn đối với người lao động, thiết bị thi công và người dân khu vực dự án phải được bố trí rào chắn, bảo vệ, cảnh báo và các biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công.

Chỉ đạo “nóng” về lựa chọn nhà thầu thi công

Ngoài công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT trên công trường xây dựng hạ tầng, Bộ GTVT cũng yêu cầu việc lựa chọn nhà thầu với các gói thầu thi công các công trình trọng điểm, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận yêu cầu các Ban phải tổ chức rà soát các điều khoản của hợp đồng đối với từng gói thầu, nhân sự, máy móc thiết bị, đảm bảo không được trùng lặp giữa các gói thầu/dự án đang thực hiện trong cùng thời điểm theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.

“Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch, trình tự, thủ tục tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Các nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu”, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án khi ký kết hợp đồng với nhà thầu phải chặt chẽ, phù hợp quy định, đảm bảo tính thống nhất giữa các dự án thành phần làm cơ sở quản lý hợp đồng hiệu lực, hiệu quả. Các Ban Quản lý dự án phải tổ chức rà soát các điều khoản của hợp đồng đối với từng gói thầu. Trong đó, lưu ý các quy định về tạm ứng, thu hồi tạm ứng, điều kiện tạm ứng; tài khoản chuyên chi; quyền, trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh; quản lý, chấp thuận nhà thầu phụ; xử lý vi phạm hợp đồng... 

Riêng đối với cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025, rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đến ngày 18/1/2023, Bộ GTVT đã khởi công đồng loạt 14 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần. Các nhà thầu đang huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, đường công vụ và thực hiện các thủ tục đăng ký khai thác, cấp phép mỏ vật liệu xây dựng…, tổ chức triển khai thi công tại các vị trí thuận lợi. Với các gói thầu còn lại, các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và các công việc liên quan để thi công vào tháng 2/2023.

Sơn Vân/Báo Tin tức
Rà soát kỹ lưỡng, tránh lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu
Rà soát kỹ lưỡng, tránh lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu

Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); trong đó, nội dung được đại biểu quan tâm là làm thế nào rà soát kỹ lưỡng tránh lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN