Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, so với Luật Đấu thầu năm 2013, dự án luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, dự thảo luật cần được cân nhắc tuỳ từng lĩnh vực được chỉ định thầu, giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, đơn vị tư vấn, thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính khách quan của giá trị gói thầu để bảo đảm tính khách quan, phòng ngừa móc ngoặc trong thẩm định giá hàng hoá, vật tư, thiết bị.
Hiện quy định, quy trình chỉ định thầu được xem đã thuận lợi, nhanh gọn hơn nhưng ít được chủ đầu tư chọn phương án này, nhất là trong đấu thầu xây lắp, thi công, vì lúc chọn thầu đã chỉ định nhà thầu tiềm lực mạnh. Tuy nhiên thực tế, bên cạnh việc nhà thầu triển khai dự án tốt cũng có không ít trường hợp xảy ra có sự cố trong thực hiện, chậm trễ và được cho là chủ đầu tư chỉ định không đúng đối tượng. Do vậy, cần cân nhắc chính sách khuyến khích chủ đầu tư chỉ định trong các trường hợp phải đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu xã hội…
Ở góc độ thực hiện hợp đồng, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn, dự thảo luật quy định nhiều gói thầu thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được giao cho cộng đồng thực hiện, trong khi năng lực của cộng đồng bị hạn chế.
Cùng với đó, nhiều gói thầu có quy mô nhỏ nhưng yêu cầu phức tạp, tỉ mỉ đến từng chi tiết, nếu giao cho cộng đồng thực hiện có khả thi không?
Đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này, vì liên quan đến tiêu chí thế nào là gói thầu có quy mô nhỏ và thế nào là gói thầu có yêu cầu kỹ thuật để lựa chọn tư vấn?
Bên lề kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đấu thầu là một trong những hoạt động để lựa chọn được nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực cũng như lựa chọn, mua sắm được những hàng hóa, vật tư tốt nhất với giá tiết kiệm nhất. Nhiều nước trên thế giới đều thực hiện biện pháp đấu thầu để triển khai những nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vướng mắc liên quan đến đấu thầu như hoạt động đầu tư bị tiến hành chậm do thủ tục liên quan đến đấu thầu còn phức tạp, kéo dài.
Trên thực tế, việc tiết kiệm thông qua đấu thầu không phải là cao. Số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu không nhiều. Điều này cho thấy, có thể còn có những công đoạn mang tính chất thủ tục hành chính, làm mất nhiều thời gian của nhà đầu tư. Việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần phải chú trọng giảm bớt, cắt bỏ những công đoạn không cần thiết nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch; tránh tình trạng chính hồ sơ mời thầu lại gây cản trở, loại bỏ những nhà đầu tư thực sự muốn tham gia đấu thầu.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thực tiễn hành vi thông thầu, gian lận, nâng khống giá, "cài cắm" các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu và can thiệp bất hợp pháp trong quá trình đấu thầu, chia nhỏ gói thầu... còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan trong thực hiên thì quy định pháp luật còn chưa đủ và chặt chẽ. Theo đó, dự thảo luật lần này bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan về hồ sơ mời thầu để tránh hiện tượng cài cắm các tiêu chí để gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Dự thảo luật đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đồng thời ghi rõ tất cả thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu; trong đó, bao gồm chất lượng hàng hóa và dịch vụ, công trình phải công khai trên hệ thống mạng, dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ đánh giá uy tín của nhà thầu, chất lượng hàng hóa cung cấp để có cơ sở xem xét. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, các chế tài xử lý vi phạm và trách nhiệm của những người có thẩm quyền.