Không lâu sau khi rơi vào "tầm ngắm" của nhà chức trách Anh, giờ đây các ngân hàng lớn của Anh lại đối mặt với các cơ quan chức năng Mỹ.
Có lẽ các bê bối tài chính của các đại gia ngân hàng sẽ ảnh hưởng mạnh đến lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với hệ thống tài chính Anh, vốn đang là nguồn thu chủ yếu cho "xứ sở sương mù".
HSBC nộp phạt kỷ lục
Ngày 11/12, ngân hàng HSBC lớn nhất thế giới của Anh đã phải chấp nhận nộp phạt 1,92 tỷ USD để tránh không bị đưa ra tòa án tại Mỹ xét xử vì những cáo buộc tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền của nhiều tổ chức buôn bán ma túy và khủng bố và cho Iran trong vài năm qua. Đây là cái giá quá đắt mà HSBC phải trả vì đã thất bại trong kiểm soát hoạt động rửa tiền ở thị trường Mỹ.
Giám đốc điều hành HSBC Stuart Gulliver khẳng định "Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm về tất cả những sai lầm trong quá khứ". Thông cáo của HSBC viết: “HSBC đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan chức năng Mỹ trong khuôn khổ điều tra liên quan đến các vi phạm những điều luật về trừng phạt và đấu tranh chống rửa tiền”.
Thừa nhận sai phạm và nộp phạt khoản tiền kỷ lục nói trên, HSBC có thể khép lại một loạt các điều tra của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan Liên bang của Mỹ cũng như của Tổng Chưởng lý của Manhattan, Niu Yoóc về các cáo buộc tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây. Đây là khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ USD mà một ngân hàng phải chịu vì những vi phạm pháp luật trên quy mô lớn. Sự việc đang làm chấn động giới ngân hàng Anh mà thời gian gần đây bị nhiều tai tiếng vì các phi vụ làm ăn mờ ám.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ liệt kê một loạt sai phạm, như HSBC đã chi tiền giúp áp tải xe bọc thép chở hàng tỷ USD tiền mặt, thanh toán chi phiếu du lịch trị giá cũng hàng tỷ USD, giúp các "trùm ma túy" Mêhicô mua máy bay bằng tiền được rửa qua đảo Cayman. Ngoài ra, HSBC còn bị gán thêm tội giúp chuyển tiền ra khỏi Iran, Syria và các nước có tên trong danh sách cấm của Mỹ, hay cho phép một ngân hàng Arập Xêút có liên quan với tổ chức khủng bố al-Qaeda chuyển tiền vào Mỹ. Bản báo cáo chi tiết được lập ra sau đợt khảo sát tổng cộng 1,4 triệu bộ hồ sơ do chính HSBC cung cấp.
Có thể nói mua lại ngân hàng ở Mehico hồi đầu thập niên 2000 là quyết định khiến HSBC tăng nhanh tăng thu nhập nhưng bây giờ cũng mất mát thảm hại và phải tiếp tục khắc phục trong những năm tới. Tổng cộng chi nhánh HSBC tại Mehico đã chuyển khoảng 7 tỷ USD vào Mỹ, nhưng các nhân viên của chi nhánh xác nhận đa số tiền này đến từ các tổ chức ma túy. Hay chi nhánh trên quần đảo Cayman có 50.000 tài khoản cho khách hàng cùng 2,1 tỷ USD cổ phần, nhưng không hề có văn phòng giao dịch hay nhân viên.
Ngoài khoản tiền phạt vượt quá dự tính của ban lãnh đạo ngân hàng, HSBC còn phải thực hiện cam kết sẽ lắp đặt hệ thống theo dõi độc lập mà ước tính sẽ tốn thêm khoảng 480 triệu USD.
Trước mắt các tiếng nói từ HSBC đều hướng đến việc xây dựng hình ảnh đẹp cho ngân hàng sau vụ bê bối này. Giám đốc điều hành Stuart Gulliver thành khẩn xin lỗi và cam kết làm lại hoàn toàn một ngân hàng mới về cơ bản. Tuy nhiên, nhìn từ bên trong thì cũng thấy rõ ngân hàng đang lo lắng để trấn an cổ đông đừng vì thấy cổ phiếu mất giá mà bán tháo, hay là khách hàng đừng rút tiền ồ ạt. Một thông điệp nội bộ thông báo với khách hàng có tiền gửi rằng họ hãy yên tâm vì đã có bảo hiểm tiền gửi trị giá lên đến 85.000 bảng cho tiền tiết kiệm trong trường hợp ngân hàng mất khả năng chi trả.
Thế nhưng, nhìn kỹ thì sẽ thấy rõ số tiền phạt này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của HSBC trên toàn thế giới và nhất là ngay tại trung tâm là nước Anh. Đó là chưa kể HSBC cũng sẽ phải dàn xếp một khoản tiền phạt với chính phủ Anh.
HSBC hiện đang hoạt động tại khoảng 80 nước trên thế giới. Chi nhánh tại Mỹ nằm trong nhóm 10 ngân hàng hàng đầu đang hoạt động tại Mỹ, với các giao dịch xấp xỉ 210 tỷ USD.
Quay lại lịch sử hoạt động của HSBC thì ngay từ tên gọi đã thấy tính chất đầu mối hải ngoại của ngân hàng này, được thành lập để làm cầu nối của nước Anh ở Hồng Công và Thượng Hải. Ngày nay Hồng Công không còn là thuộc địa của Anh, nhưng HSBC vẫn tiếp tục là tên tuổi lớn trong khu vực và đang dần mở rộng hoạt động trên khắp thế giới. Song, sau cú ngã đậm vừa qua, ngân hàng này có thể sẽ e ngại phát triển mà thu hẹp hoạt động.
Standard Chartered gục ngã
Nhìn sang các ngân hàng khác của Anh thì Standard Chartered (SCB) sẽ phải nộp phạt 327 triệu USD do các hoạt động giao dịch ngân hàng với Iran, Mianma, Libi và Xuđăng, đồng nghĩa với việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nước này.
Trong số tiền phạt trên, SCB sẽ phải nộp 100 triệu USD cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 227 triệu USD cho Bộ Tư pháp nước này. Trước đó, SCB đã phải nộp khoản tiền phạt lên tới 340 triệu USD cho Sở Tài chính New York để dàn xếp những cáo buộc cho rằng ngân hàng đã che giấu 60.000 giao dịch với giá trị lên tới 250 tỷ USD với các khách hàng Iran trong giai đoạn 2001-2007.
Theo các dàn xếp với Sở Tài chính New York, SCB phải chấp nhận một giám sát viên chống rửa tiền của chính phủ Mỹ tại chi nhánh Niu Yoóc trong thời gian 2 năm. Ngân hàng cũng phải chỉ định các kiểm toán viên nội bộ để kiểm tra sự tương thích của những giao dịch với các lệnh cấm vận của Mỹ. Vụ dàn xếp này đã tránh cho ngân hàng một kịch bản tồi tệ bởi trước đó Sở Tài chính New York trước đó thậm chí đã đặt vấn đề rút giấy phép hoạt động của SCB tại New York, đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của ngân hàng này ở thị trường Mỹ.
Về phần mình, SCB cho biết những vụ giao dịch trên chủ yếu diễn ra trong những năm 2001-2007 và vụ dàn xếp này là kết quả của "gần ba năm hợp tác chặt chẽ với các nhà quản lý và các công tố viên". SCB cũng khẳng định trong suốt hơn 5 năm qua kể từ khi sự việc được phát hiện, ngân hàng này đã hoàn tất việc rà soát toàn diện và nâng cấp hệ thống tuân thủ quy định và các thủ tục của mình.
Có lẽ liên tiếp thiệt hại tài chính sẽ khiến các ngân hàng Anh hoàn toàn mất vai trò dẫn dắt trong quá trình hồi phục kinh tế đất nước và nhìn rộng ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ công Eurozone thì triển vọng không mấy sáng sủa.
Hoàng Hà (Tổng hợp)