Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, để một dự án của khối tư nhân có thể khởi công thì thời gian hoàn thành thủ tục hành chính lên đến 450 ngày. Dự án sử dụng ngân sách Nhà nước cũng lên đến 300 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là mức trung bình. Thực tế, thời gian hoàn tất thủ tục của DN còn nhiều hơn. Thủ tục quá rắc rốiÔng Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, các thủ tục thực hiện một dự án xây dựng phải qua nhiều bước, như sau: Trước hết là xin chủ trương được đầu tư công trình ở địa điểm đó, sau đó, lập luận chứng thiết kế kĩ thuật, vẽ quy hoạch dự án 1/500 và các phương án kiến trúc trình Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Tiếp theo, xin duyệt quy hoạch 1/500 hay thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thỏa thuận về mật độ xây dựng, chiều cao, lộ giới, hợp khối hay từng công trình rời…
Theo phản ánh của các DN, thủ tục xin cấp phép xây dựng hiện nay quá rườm rà, phức tạp khiến thời gian chờ cấp phép để triển khai dự án kéo dài nhiều năm. |
“Đây là khâu rất phức tạp vì thiết kế dễ bị phản hồi về việc thừa hay thiếu một điều kiện nào đó, ví dụ như đường xe cứu hỏa bao quanh rộng hay hẹp, hồ nước ngầm to hay nhỏ. Nếu đất đai có sổ đỏ hợp pháp nhưng vướng vào quy hoạch phân khu vừa mới phê duyệt thì lại phải đi đo đạc lại theo bản đồ mới và phải vẽ lại từ đầu”, ông Dũng cho biết.
Chưa hết, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông qua phần việc này, DN tiếp tục nộp thiết kế kỹ thuật đã được điều chỉnh vào các sở ngành xin thỏa thuận về môi trường, nước, rác thải; xin giấy phép phòng cháy chữa cháy; xin đấu nối giao thông, điện nước. Sau đó, tiếp tục nộp vào Sở Xây dựng xin giấy phép xây dựng. Khâu này mất rất nhiều thời gian nhưng chỉ cần cán bộ Sở không đồng ý về một chi tiết nào đó của kiến trúc, kết cấu là hầu như phải làm lại từ đầu. Nếu dự án liên quan đến các ngành khác như Công Thương, Y tế, Văn hóa, Giáo dục… thì còn phải xin ý kiến chấp thuận của các ngành này, vì nếu không sau này không thể đưa công trình vào sử dụng. Chính vì những thủ tục rắc rối như vậy nên thời gian để hoàn tất các thủ tục này rất lớn.
Trường hợp của Công ty cổ phần đầu tư phát triển SACA là một ví dụ khác. Ông Nguyễn Khoa Di, Tổng Giám đốc công ty cho biết, công ty bắt đầu tham gia đầu tư dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc cách đây 12 năm nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” vì chưa xong thủ tục hành chính.
Với trường hợp của Công ty địa ốc Bình Dân, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty bỏ ra 50 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh một dự án nhà ở trên diện tích 14.000 m2. Khi DN chuẩn bị bán ra thị trường thì UBND Thủ Đức đề nghị mua lại để phục vụ người dân bị giải tỏa dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Tuy nhiên, sau khi đạt thỏa thuận bán phục vụ tái định cư xong thì quận Thủ Đức “treo” luôn gần 5 năm. Công ty đã có công văn đề nghị UBND quận Thủ Đức nếu không mua dự án nữa thì trả về cho DN bằng văn bản cụ thể, để công ty bán ra thị trường nhằm thu hồi vốn, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.
DN chịu nhiều thiệt hạiQua quá trình tư vấn thiết kế cho các dự án, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ: “Có những quy định oái oăm, mỗi cơ quan hiểu một kiểu, khiến kiến trúc sư chúng tôi phải giải trình từng nét vẽ một. Vẽ một dự án 3 tháng nhưng thẩm định mất 3 năm”. Cùng chung tâm trạng, chủ đầu tư dự án Hòa Bình Green City (Hà Nội) cũng phàn nàn, mặc dù đã hoàn thành các thủ tục nhưng phải 17 tháng sau mới được cấp phép. Chủ đầu tư cho biết, nhiều đối tác do không thể chờ đợi nên đã rút vốn đầu tư.
Việc chậm trễ cấp phép đầu tư đã gây nhiều thiệt hại cho DN. Do thời gian xét duyệt quá lâu nên sản phẩm của DN khi hoàn thành có thể không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đó là còn chưa kể việc DN phải huy động nhiều nguồn vốn để triển khai dự án và sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế. Đây cũng là thiệt hại chung của toàn xã hội.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc sở Tài Nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai luôn là nỗi bức xúc của người dân cũng như các doanh nghiệp. Quy trình, thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà, tốn nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến người dân, đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp… Trước đây, muốn nộp hồ sơ xin giao - thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải đến “gõ cửa” hàng tá các cơ quan: Sở Quy hoạch - Kiến trúc để xin ý kiến quy hoạch; Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng để thẩm định dự án đầu tư; Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố để xác định tiền sử dụng đất; Sở Giao thông công chính có ý kiến về đường sá, sông rạch; Ủy ban nhân dân các quận - huyện có ý kiến thẩm tra về nguồn gốc đất, quy hoạch… Như vậy, để hoàn thành một bộ hồ sơ về đất đai thì doanh nghiệp phải mất ít nhất từ một đến ba năm, thiệt hại kinh tế là không thể tính được.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
Dù Thành phố đã cải cách thủ tục hành chính nhiều lần nhưng đi đâu cũng nghe dân kêu ca, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Trước mắt, trong quá trình cải cách, Thành phố yêu cầu phải rút ngắn quy trình xuống tám bước, Sở Xây dựng phải công khai thủ tục và quy rõ trách nhiệm để hỗ trợ DN. Các sở ngành liên quan cũng cần công khai quy trình làm việc. Những quy định nào còn chồng chéo nằm trong thẩm quyền, chính quyền thành phố sẽ sửa ngay. Ngược lại, các quy định không thuộc thẩm quyền thành phố, sẽ kiến nghị với Trung ương để giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh: Theo quy định của luật Quy hoạch đô thị, một đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500... đều phải trải qua hai bước: Nhiệm vụ và đồ án. Mỗi bước đều phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vòng 30 ngày. Sở đã rút ngắn thủ tục này bằng cách, lập "nhiệm vụ" song song với lập "đồ án". Tư vấn khi đã có góp ý của quận, huyện, thông qua Sở rồi mới lấy ý kiến dân, rút ngắn được 30 ngày. Một cái nữa là các đồ án khi trình ký phê duyệt là phải 17 bộ bản vẽ. Khi tư vấn in ra 17 bộ, chỉ việc đi đóng dấu - ký tên, nhanh cũng phải hằng tháng trời mới xong. Để tránh chuyện này, sở cho làm bản nháp. Sau khi quận - tư vấn - Sở thống nhất về nội dụng sẽ photo ra 3 bộ rồi ký trên bản nháp đó. Nếu ủy ban phê duyệt mới in ra 17 bộ. Làm thế này vừa đỡ lãng phí, vừa rút ngắn quy trình, tiết kiệm thời gian… |
Hoàng Dương - L. Hiền - T. Quang