Đại biểu Quốc hội: Phân bón, hóa chất độc hại như mê hồn trận trong nông nghiệp

Ngày 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua.

Nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Văn Cường, Đoàn Đồng Tháp cho rằng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại hiện như là mê hồn trận trong nền nông nghiệp, là "cơn nghiện" của một bộ phận nông dân, là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.  

Theo đại biểu Trần Văn Cường, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đã phản ánh với Quốc hội về việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phức tạp; việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đang rất phổ biến.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp với số lượng khá lớn, khoảng 100.000 tấn/năm, trung bình mỗi người dân sử dụng khoảng 1 kg thuốc bảo vệ thực vật trên năm. Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.  

Chú thích ảnh
Chiều 21/8/2020, tỉnh Tây Ninh đã có công văn gửi Bộ NN&PTNN cùng các cơ quan nghiệp vụ có liên quan, đề nghị xử lý Công ty TNHH thiết kế Garden Home, về hành vi sản xuất phân bón giả. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN.

Đặc biệt, nông sản Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do chất lượng kém. Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại đã và đang làm phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng mà chúng ta đang quyết tâm tổ chức triển khai trong thời gian qua.

Ngày 9/9/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 10 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam; trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp có khoảng 1.795 hoạt chất và có đến 4.390 tên thương phẩm đang sản xuất và kinh doanh trên thị trường.  

Mặc dù thời gian qua, các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra nhưng lực lượng quản lý thì có hạn. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát các tên thương phẩm, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn, không quản lý tốt được lĩnh vực này.

Giải thích về thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trước đây, một năm Việt Nam nhập 120.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2019, chúng ta chỉ còn nhập 75.000 tấn và trong đó 20% là thuốc sinh học. Việc giảm nhập khẩu là một quyết tâm chung, trong đó có giảm cả danh mục và số thuốc thương phẩm.

“Đây là cố gắng chung của chúng ta, trong đó 75.000 tấn nhập về có một phần năm ngoái chúng ta đã tái xuất bằng các sản phẩm chế biến được 125 triệu USD. Như vậy chúng ta rất cố gắng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, kể cả phân bón, kể cả lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật. Tới đây chúng ta cần phải tiếp tục hoàn chỉnh hơn, kể cả thể chế chặt hơn, chế tài chặt hơn, hướng dẫn tốt hơn để cố gắng vận hành một nền nông nghiệp đúng hướng, phát triển phải bền vững, dinh dưỡng cao và sạch để tăng cường xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tranh luận lại ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao quản lý Nhà nước về phân bón đã nỗ lực quản lý, đưa ra được bộ tiêu chuẩn phân bón, loại bỏ bớt các loại phân bón không đạt tiêu chuẩn.

“Tuy nhiên, với trên 20.000 loại phân bón khác nhau, do 735 doanh nghiệp sản xuất phân bón đưa ra thị trường, một số lượng phân bón quá lớn, trong khi nhu cầu thực tế bằng khoảng 1/3. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có ý kiến và đưa ra những giải pháp về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Ông Cương cũng đưa ra ví dụ, ở Thái Lan các chuyên gia nông nghiệp nói rằng, số lượng phân bón chuẩn hóa chỉ có trên 100 loại phân bón tồn tại, nhưng ở Việt Nam có trên 20.000 loại. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Đâu là nguyên nhân?

Đại biểu Trần Văn Cường cho rằng, nguyên nhân là do chế tài đối với các hành vi của người sản xuất và người buôn bán, sử dụng chưa đủ sức răn đe. Ngược lại, một bộ phận người dân không được truyền thông đầy đủ tác hại của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã lạm dụng gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng và cho chính bản thân mình. Tiếp nữa là danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Có những hoạt chất bị cấm trong lĩnh vực này, nhưng lại được phép sử dụng trong lĩnh vực khác, dẫn đến việc sử dụng tràn lan, khó kiểm soát và khó quản lý.  

Đại biểu Trần Văn Cường nêu ví dụ, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cấp phép, trong đó có một số nhóm hoạt chất hóa học như Fipronil được sử dụng để diệt khuẩn, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam loại hóa chất này. Bên cạnh đó, chúng ta chưa mạnh dạn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để liên thông dữ liệu từ người sản xuất đến tiêu dùng, đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước. Chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường nội địa.

Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Trần Văn Cường kiến nghị, cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hóa chất độc hại trên thị trường. Tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không có sự răn đe mạnh mẽ thì nông sản của Việt Nam sẽ mất luôn ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt hậu quả nặng nề đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến giống nòi của dân tộc.  

Theo một số đại biểu Quốc hội, việc thay đổi nhận thức của người dân ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không còn con đường nào khác là phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức để họ hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và đồng bào, giữ gìn cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên cho các thế hệ tương lai. 

V.Tôn/Báo Tin tức
Cử tri Cần Thơ đề nghị kiểm soát chặt thuốc trừ sâu, phân bón giả
Cử tri Cần Thơ đề nghị kiểm soát chặt thuốc trừ sâu, phân bón giả

Chiều 30/9, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu quốc hội thành phố Cần Thơ tiến hành tiếp xúc cử tri tại huyện Cờ Đỏ trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN