Đặc sản hành chăm Lạc Sơn tìm hướng phát triển

Lạc Sơn là huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Hoà Bình, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn và cây mía.

Vốn là vùng có khí hậu phù hợp với nhiều loại rau đậu, trong đó có cây hành chăm là cây truyền thống của huyện có nguồn gốc hàng trăm năm nay. Trước đây, bà con trong vùng trồng chủ yếu chỉ để đủ dùng nhưng vài năm trở lại đây giống hành chăm được thị trường ưa chuộng nên bà con Mường Vang đã mở rộng diện tích trồng và là cây chiếm ưu thế hơn hẳn. Toàn huyện có 28 xã và một thị trấn thì có tới 26 xã trồng hành chăm.

Cây hành chăm được trồng vào thời điểm gặt xong vụ đông xuân, sẵn có gốc rạ bà con tra hạt giống xuống rồi phủ rơm lên trên. Hành chăm sinh trưởng tốt thời gian trung bình từ 150 - 200 ngày, không có sâu bệnh, không mất công chăm bón, 1ha hành chăm cho thu hoạch thì được 10 tấn củ tươi, đặc biệt là củ hành chăm rất thơm, ngon và chỉ bé bằng hạt nhãn, màu trắng. Với giá thị trường từ 30 - 45.000 đồng/kg, như vậy 1ha hành chăm có thể thu nhập trên 400 triệu đồng. Có thể nói, cây hành chăm đã mang lại hy vọng xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi cuộc sống vốn gian khó của bà con dân tộc Mường Vang, huyện Lạc Sơn nơi đây.

Ông Bùi Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được hơn 500ha hành chăm chuẩn bị cho thu hoạch nhưng đầu ra lại không ổn định, rất bấp bênh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1- 2 hộ gia đình thu mua hành chăm với số lượng lớn cho bà con, nhưng phần lớn các nhà thu mua lại phụ thuộc vào thương lái. Thương lái mua nhiều thì giá hành chăm cao, ngược lại nếu họ mua ít hoặc không mua thì rủi ro lớn đối với hộ thu mua, đặc biệt là người nông dân bị thiếu đói khi giáp hạt.

Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là trăn trở lớn nhất đối với các hộ thu mua và bà con. Không chỉ khó khăn về thị trường, người trồng hành chăm nơi đây còn gặp những bất thuận trong quá trình bảo quản sản phẩm. Theo kinh nghiệm từ xưa đến nay, bà con sơ chế hành chăm bằng cách sấy trên gác bếp và đặt vào những nơi khô ráo. Tuy nhiên, cách này cũng không được lâu dài, khó tránh khỏi hiện tượng mọc mầm, bị xốp, khô quắt rồi hỏng. Năm 2011, nhiều nhà nông đã nếm trải xót xa trước cảnh hàng tấn hành chăm thối hỏng đành phải đổ đi. Ông Phục mong muốn: “Giá như có nhà thu mua, có thị trường tiêu thụ ổn định, cây hành chăm Lạc Sơn sẽ là cây chủ lực và trở thành vùng hàng hoá của thị trường trong nước, nếu so sánh hiệu quả thì 1ha hành chăm thu nhập gấp 6-7 lần trồng lúa, ngô.

Anh Bùi Văn Hoàn ở xóm Bai Vớn, xã Định Cư cho biết: Gia đình tôi trước đây thuộc vào diện nghèo nhất nhì xã, nhưng 5 năm nay gia đình tôi trồng thâm canh cây hành chăm trên đất lúa 1 vụ. Mỗi năm nhà tôi trồng khoảng 5.000m2 hành chăm cho thu hoạch được 5 tấn củ, bán được khoảng gần 200 triệu đồng trừ chi phí. Nay cuộc sống của gia đình tôi đã có nhiều thay đổi, mua sắm được nhiều trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh…, đặc biệt là có “khoản” để dành cho các cháu ăn học.

Có lẽ, cũng nhờ cây hành chăm mà bà con dân bản có việc làm, tăng thu nhập. Nhưng điều mà người dân mong đợi là tìm được đầu ra ổn định, tìm hướng phát triển bền vững cho đặc sản hành chăm Lạc Sơn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

TTXVN/ Tin Tức
Hà Tĩnh: Phát triển nghề nuôi hươu ở Hương Sơn
Hà Tĩnh: Phát triển nghề nuôi hươu ở Hương Sơn

Nghề chăn nuôi hươu đang được lãnh đạo huyện Hương Sơn - huyện trung du, miền núi của tỉnh Hà Tĩnh và người dân nơi đây đầu tư phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN