Nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, TP Đà Nẵng chủ trương phát triển kinh tế trang trại trở thành hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu trong ngành nông nghiệp của thành phố. Đà Nẵng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giá trị gia tăng của kinh tế trang trại chiếm 30% trong tổng sản phẩm nông lâm sản.
TP Đà Nẵng hiện có 214 trang trại theo tiêu chí cũ trong đó có 40 trang trại đạt tiêu chí mới, phân bố chủ yếu ở huyện Hòa Vang và các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Trang trại chăn nuôi chiếm 37%, còn lại là những trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sản xuất kinh doanh tổng hợp. Tổng số vốn đầu tư kinh tế trang trại lũy kế đến năm 2011 là trên 500 tỷ đồng.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc phát triển các trang trại hiện nay, TP Đà Nẵng đã đề ra một loạt các giải pháp đồng bộ về đất đai, vốn, thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng lao động.
Theo đó, thành phố đang thực hiện quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp, xác định cụ thể các vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xác định tư cách pháp nhân cho các trang trại để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quan hệ giao dịch vay vốn ngân hàng và đầu tư tín dụng. Đồng thời, thành phố cũng sẽ có kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các chủ trang trại về thị trường, kỹ năng kinh doanh, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất và lập dự án; tổ chức cho các trang trại cùng ngành hàng liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trước mắt thành phố sẽ nghiên cứu thành lập các hội nghề nghiệp để trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý, thông tin thị trường, tiếp đến sẽ vận động thành lập hợp tác xã trang trại mà xã viên là các chủ trang trại. TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2015, kinh tế trang trại sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động ở nông thôn.
Đỗ Trưởng