Đặc sắc Ngày hội 'nhãn Sông Mã'

Tối 1/8, UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đã tổ chức Chương trình đón nhận Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã” gắn với Ngày hội nhãn Sông Mã năm 2017, nhằm quảng bá thương hiệu này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đại diện Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I trao quyết định cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu cho các hợp tác xã của huyện Sông Mã.

Tại chương trình, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao quyết định văn bằng Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã” cho lãnh đạo UBND huyện Sông Mã; Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao quyết định cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu cho các Hợp tác xã của huyện Sông Mã gồm: Hoàng Tuấn, Bảo Minh, An Thịnh…

Đây sẽ là những tiền đề phát triển thương hiệu nhãn Sông Mã thành một thương hiệu mạnh của địa phương; góp phần bảo tồn, phát triển nhãn Sông Mã thành vùng kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết: Cây nhãn trên địa bàn Sông Mã được nhân dân mang từ tỉnh Hưng Yên lên trồng tại huyện từ năm 1961, khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh một phần nhân lực miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi. Lúc đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ sinh sống hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, về sau mở rộng dần ra địa bàn toàn huyện.

Hiện nay, toàn huyện Sông Mã có gần 32.000 hộ dân tại 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích gần 5.500 ha, chiếm trên 80% diện tích cây ăn quả của huyện. Cây nhãn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Sông Mã; trong đó nhiều hộ trồng nhãn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng nhãn.

Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, vườn nhãn. Đến nay, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã”.

Trước đó, sáng 1/8, huyện Sông Mã đã tổ chức Hội thi nhãn ngon, an toàn năm 2017 nhằm giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu nhãn Sông Mã; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm trái cây, góp phần xây dựng vị thế vững chắc cho sản phẩm nhãn Sông Mã trên thị trường. Hội thi còn là dịp để những người trồng nhãn giao lưu, học hỏi, tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng cây, chăm sóc để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao.

Hội thi nhãn ngon, an toàn năm 2017.

Tham gia hội thi có 7 đội đến từ 7 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã. Mỗi đội tham gia phải trải qua hai phần thi bắt buộc gồm: Thi thuyết trình và thi nhãn ngon, an toàn. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết của xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Ngoài ra, Ngày hội "nhãn Sông Mã" năm 2017 còn có 30 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nhãn của 14 hợp tác xã và 16 xã trên địa bàn huyện. Các gian hàng đã đem đến những sản phẩm nhãn có chất lượng tốt nhất để giới thiệu, quảng bá tới các du khách và doanh nghiệp tham quan.

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)
Hưng Yên xây dựng vùng sản xuất nhãn lồng có thương hiệu
Hưng Yên xây dựng vùng sản xuất nhãn lồng có thương hiệu

Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên vừa hoàn thành dự án "Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN