Hiện số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124.700 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 29/8, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đà hồi phục sức khỏe của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tốt lên, trong tháng 7 và 8/2023.
Cụ thể, tháng 8/2023, Việt Nam có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Việt Nam có gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.
Mặc dù 8 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui thị trường tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong tháng 8/2023, đã có 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn so với tháng 7/2023 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể cũng như hoàn tất thủ tục giải thể đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với trước.
Miễn giảm nhiều loại phí hỗ trợ doanh nghiệp
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, việc Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023 cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… của chính sách tài khóa, đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu. Trong đó, gia hạn thuế giúp doanh nghiệp có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế GTGT giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ cũng có tác động rất lớn, đơn cử như việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định, chỉ sụt giảm giá trị so với USD khoảng 2%, hy vọng đến cuối năm chỉ sụt giảm 2 - 3%. Đồng tiền ổn định giúp chi tiêu trong nền kinh tế tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giúp hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.
Ngoài ra theo chuyên gia kinh tế này, có những chính sách khuyến khích lãi suất thấp hơn của hệ thống ngân hàng khi giảm lãi suất 1,5 - 2% gói 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội đang hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
Doanh nghiệp vẫn mong “thúc” hoàn thuế
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều bất ổn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong mỏi thúc đẩy nhanh chính sách hoàn thuế GTGT để gỡ vướng trong khâu ách tắc dòng tiền. Bởi hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn. Đặc biệt, thời gian tới khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu.
Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT nhưng doanh nghiệp trong một số lĩnh vực vẫn phản ánh cơ quan thuế chậm giải quyết hoàn thuế GTGT.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nhiều doanh nghiệp phản ánh về vấn đề hoàn thuế GTGT chậm, làm ảnh hưởng tới dòng vốn. “Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm, thu ngân sách, và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Ví dụ đối với ngành sắn, số tiền bị chậm hoàn thuế GTGT ước tính hơn 700 tỷ đồng. Hiện nay, thị trường lớn nhất của ngành sắn là Trung Quốc. Mặt hàng này xuất sang Trung Quốc theo điều kiện giao hàng tại biên giới (DAF), tức người bán chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng, hợp đồng mua bán vô hiệu vì qua xác minh, doanh nghiệp mua hàng không tồn tại hoặc không thừa nhận có mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Phía các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cho rằng, điều ngành Thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc các khâu mua bán nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp kiến nghị không sử dụng kết quả xác minh từ nước ngoài để làm cơ sở hoàn thuế cho doanh nghiệp
“Hầu hết doanh nghiệp đang kinh doanh không thuận lợi và dự báo tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm. Vì vậy, rất mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ hoàn thuế GTGT nhanh hơn để doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động", ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, việc hoàn thuế GTGT là chính sách giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để tiếp tục tái sản xuất kinh doanh. Nếu từ nay tới cuối năm, việc chậm hoàn thuế vẫn chưa được giải quyết thấu đáo sẽ làm phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng trong quá trình tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu, đẩy mạnh vòng quay nguồn vốn và tăng cường sản xuất kinh doanh.
Việc hoàn thuế GTGT phải được thực hiện khi các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ xin hoàn thuế, sau đó các cơ quan thuế sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ đó hợp lệ, đối với trường hợp hoàn thuế trước - kiểm tra sau thì chỉ cần tối đa 6 ngày. Trong trường hợp kiểm tra trước - hoàn thuế sau thì thời gian hoàn thuế này không quá 40 ngày, nếu thời gian kiểm tra chậm trễ thì thời gian cũng không quá 60 ngày.
“Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ không đạt, cần báo ngay với doanh nghiệp để bổ sung hồ sơ sao cho tiến hành một cách nhanh nhất. Đặc biệt, cần phải tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trong quá trình hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp. Chống gian lận, sai sót trong quá trình hoàn thuế nhưng cũng không vì thế mà trì hoãn việc hoàn thuế cho doanh nghiệp", ông Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Phía ngành Thuế cần phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những đối tượng được hoàn thuế; cần ứng dụng công nghệ số để giúp hoạt động kiểm tra, thanh tra và hoàn thế đi vào nền nếp.
Khả năng hấp thụ vốn vẫn thấp do cầu yếu
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng...
“Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6/2023, sang đến cuối tháng 7/2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn”, ông Đào Minh Tú cho biết.