Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho rằng thực ra cuộc chiến Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống rất liên quan đến điều kiện kinh doanh, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và hãng Uber, Grab, phải đơn giản thủ tục hành chính cho các taxi truyền thống. Hiện nay, các hãng taxi truyền thống thủ tục hành chính phức tạp và họ phải cõng trên mình rất nhiều chi phí tuân thủ quy định pháp luật, trong khi mô hình Uber, Grab không chịu những áp lực này.
“Tôi cho rằng các hãng taxi truyền thống cần đấu tranh bảo vệ quyền kinh doanh của mình thuận lợi hơn, ngoài yêu cầu khác như về thuế, gia nhập thị trường thì yêu cầu đơn giản thủ tục hành chính, đơn giản điều kiện kinh doanh cũng là yêu cầu cần thiết”, ông Tuấn cho biết.
Lịch trình của khách hàng và tài xế Uber hiển thị chi tiết giúp 2 bên kết nối dễ dàng. |
Ông Tuấn cho biết thêm, nhiều hãng taxi truyền thống cho biết, họ đưa một đầu xe ô tô vào kinh doanh thì rất khó khăn thì Uber, Grab dễ dàng làm được điều này. Ngoài ra là vấn đề về thuế. Để kiểm soát doanh thu của những hãng như Uber, Grab cũng là thách thức lớn. Theo ông Tuấn, thời gian tới cần chuyển sang quản lý bằng cách thức về thu nhập cá nhân. Suy cho cùng, Uber hay Grab và các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet là nền tảng nhu cầu thiết yếu và nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hàng trăm, triệu người kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng là thách thức lớn trong đảm bảo thu thuế, xa hơn là cạnh tranh giữa người nộp thuế.
“Một phần nữa là câu chuyện quản lý nhà nước, không phải cấm hay không cấm mà cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp, một mặt khuyến khích những mặt tích cực của mô hình này, mặt khác tìm ra cách thức quản lý được. Một là hoạt động kinh doanh thì phải đóng thuế và cách thức thu thuế các nước có nhiều kinh nghiệm và Việt Nam có thể học tập”, ông Tuấn đề xuất.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basic cho rằng, Uber, Grap là mô hình mới hiện đại tiện lợi, giảm chi phí cho xã hội, người dùng và doanh nghiệp nên không có lí do gì ngăn cấm mà cần khuyến khích.
“Nếu pháp luật chưa có quy định thì không có lý do gì chúng ta lại cấm. Sau này nếu cần thiết thì điều chỉnh, bây giờ chưa có quy định có nghĩa là được tự do kinh doanh. Còn tại sao bất bình đẳng, có thắc mắc của taxi truyền thống, là do chúng ta quản quá chặt, quá nhiều khắt khe những 13 điều kiện để kinh doanh taxi bình thường thì sẽ rất khó khăn, mất nhiều chi phí, thay vì siết chặt taxi kiểu mới thì chúng ta cần quản lý taxi cũ một cách gọn nhẹ hơn”, Luật sư Đức cho hay.
Ông Đức khuyến nghị, có 2 cách là ban hành văn bản mới hoàn toàn để điều chỉnh quy định mới hoặc nhập vào mới nhau và cân đối bình đẳng, tối thiểu hóa chi phí, điều kiện không cần thiết cho doanh nghiệp.
“Vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải cấm việc đi chung taxi của Grab và Uber là quy định nhầm luật. Anh chưa quy định nhưng lại thấy cái giống giống thì ép người ta vào đó”, Luật sư Đức nêu quan điểm.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với ngành vận tải ô tô vài năm nay bùng phát nhiều loại hình làm nhiễu loạn loại hình vận tải, nghị định cũ có 5 loại hình vận tải và nay có các loại như Uber, Grab không nằm trong quy định này nên có cần xác định lại. Uber và Grab nên đưa vào một loại hình kinh doanh mới còn taxi truyền thồng cần phải nới các điều kiện kinh doanh khác.
“Nhà nước lúng túng trong sự phát triển, khi công nghệ bùng nổ thì cháy nhưng chúng ta không có phương thức chữa cháy, cháy to không có thuốc chữa. Mới đây, ngày 28/6 đã có buổi họp của Bộ GTVT và các bộ ngành với Uber, Grab và taxi truyền thống. Chúng tôi phản đối quyết liệt tư tưởng “quản không được thì cấm” mà quản không được thì phải có chính sách cụ thể để giải quyết hợp lý, cạnh tranh lành mạnh”, ông Thanh cho hay.