Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất chọn phương án giá kiểm định mới trên cơ sở cập nhật các yếu tố hình thành giá trong phương án giá đã được sử dụng để ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Thông tư số 238/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất điều chỉnh 2 yếu tố chi phí cơ bản gồm chi phí lương và các khoản có tính chất lương, đề nghị điều chỉnh tăng 70% căn cứ theo mức tăng tiền lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (thực tế tăng 71,43%); chi phí dịch vụ mua ngoài, đề nghị điều chỉnh tăng 20% do yếu tố tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến nay (thực tế chỉ số giá tiêu dùng tăng 26,05%).
Với phương án này, Cục Đăng kiểm Việt Nam tính toán đề xuất giá dịch vụ kiểm định mới sẽ tăng từ 26 - 28% so với mức giá hiện hành.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không phải hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh nên theo nguyên tắc kinh tế thị trường, do đó nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc.
Mặt khác, từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…).
Do đó, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ quan điểm việc tiếp tục áp dụng hình thức nhà nước định giá cụ thể đối với giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh đã xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành là không còn phù hợp.
Để đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Giá (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.