Thách thức cả ở trong và ngoài nướcTrong lĩnh vực xuất khẩu mà Việt Nam được kì vọng sẽ đạt được những đột phá nhờ CPTPP thì một thực tế đáng buồn lâu nay là giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu còn rất thấp. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chủ yếu là gia công, tận dụng lao động giá rẻ và còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Những vấn đề tồn tại này nếu không được giải quyết nhanh chóng thì đóng góp giá trị cho tăng trưởng sẽ không nhiều dù cho CPTPP có hiệu lực, đồng thời khó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Một công đoạn may đồ thể thao ngoài trời xuất khẩu tại nhà máy Công ty Spectre A/S (Đan Mạch) đặt tại tỉnh Nam Định. Ảnh: HD |
Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” thì toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, may quần áo… phải được hoàn thiện trong nội khối CPTPP. Trong đó, nguồn nguyên liệu có xuất xứ ngoài CPTPP sẽ không được vượt quá 10% tổng giá trị hàng hóa. Đây là sức ép lớn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi hiện nay 60 – 65% nguyên liệu phải nhập khẩu. Phần nhiều trong số đó nhập từ các nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc CPTPP.
Khi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thì đa phần DN dệt may nội địa chấp nhận may gia công với giá trị gia tăng thấp. Nguy cơ phải giảm sản xuất do không cạnh tranh được là rất lớn.
Ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị các DN cần coi việc nâng cao giá trị gia tăng là mục tiêu phát triển của mình, trong đó có việc sản xuất nguyên liệu. Quan tâm đến quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" cũng là một phần trong chiến lược kinh doanh của DN.
Thực tế, đã có những DN nhanh nhạy thay đổi để đón đầu những lợi ích mà CPTPP có thể mang lại. Tại Nhà máy may đồ thể thao ngoài trời xuất khẩu 100% vốn của Công ty Spectre A/S (Đan Mạch) tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định, nếu như trước đây nguồn nguyên liệu vải chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì hiện nay DN này đang dần chủ động nguồn nguyên liệu hoặc chuyển sang nhập từ các nước trong CPTPP để được hưởng lợi khi xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu thị trường và liên kết sản xuất để tạo thêm giá trị gia tăng sẽ giúp DN chủ động trước thị trường 10 nước thành viên còn lại của CPTPP.
Không chỉ gặp thách thức khi xuất khẩu mà DN Việt Nam còn phải chịu sức ép tại chính thị trường trong nước. Chỉ trong năm 2018 hoặc đầu năm 2019, 97% số dòng thuế giữa Việt Nam và 10 quốc gia tham gia CPTPP sẽ cắt giảm (65% giảm ngay về 0%) và số còn lại sẽ cắt giảm trong các năm tiếp theo. DN Việt dễ đi ra nước ngoài thì ngược lại, DN các nước cũng dễ dàng vào thị trường Việt Nam. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn bởi DN Việt Nam nhỏ và yếu trong khi DN các nước lại nhiều vốn, làm ăn bài bản.
Trên thị trường bán lẻ, hiện nay hàng hóa ngoại đã tràn ngập trên các kệ hàng tại siêu thị Việt Nam. Đây là kết quả của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực (chưa nói đến CPTPP). Khi CPTPP có hiệu lực, viễn cảnh hàng hóa Nhật, Úc, New Zealand, Singapore... ngập tràn siêu thị Việt sẽ còn không xa.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị AEON Fivimart Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho biết: Chúng ta đang yếu về quy mô sản xuất, năng suất lao động, chất lượng hàng hóa. Mới đây, siêu thị AEON của Nhật Bản đã động thổ xây dựng siêu thị AEON ở Hà Đông (Hà Nội) - siêu thị thứ 5 tại Việt Nam. Trước đó, họ đã mua và nắm giữ cổ phần tại Fivimart. Đây là những bước đi rất chắc chắn của DN Nhật này nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư kí Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, sức ép cạnh tranh đã cận kề khi CPTPP được kí kết. Còn rất nhiều điều mà DN Việt phải làm. Các DN nên tham gia vào chuỗi giá trị liên kết để trở thành những công ty lớn mạnh, đủ sức cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Đồng thời, DN cần cải thiện công nghệ sản xuất, năng lực quản trị và tìm kiếm thị trường ngách. Chuẩn bị càng sớm thì thành công sẽ đến càng nhanh cho các DN Việt Nam.
Sẵn sàng đối diện thách thức
Bên cạnh những thách thức truyền thống kể trên thì CPTPP cũng mang đến nhiều thách thức phi truyền thống cho Việt Nam, bao gồm xử lý tranh chấp trong lĩnh vực công đoàn và lao động. Với CPTPP, người lao động có quyền đàm phán tập thể, thành lập công đoàn cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời yêu cầu các chế tài khắt khe trong xử lý tranh chấp. Nếu chủ lao động không thực thi sẽ có các biện pháp trừng phạt thương mại.
Như vậy với những yêu cầu này, nếu hệ thống công đoàn của chúng ta không tích cực kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động thì khó đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị đối diện với những thách thức mới do CPTPP đem lại, trong đó có những quy định về tổ chức công đoàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Sự việc xảy ra tại Công ty May Nam Phương (TP Hồ Chí Minh) vừa qua là một bài học hữu ích. Khi công nhân của công ty bị khấu trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chẳng thấy đâu, công đoàn công ty này đã không kiến nghị, phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng.
Đến đầu năm nay, khi chủ DN bỏ trốn, hơn 600 lao động bị nợ lương hơn 4 tỷ đồng và hơn 26 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội thì vai trò của công đoàn cơ sở cũng rất mờ nhạt.
Có thể nói, mỗi khi tranh chấp lao động xảy ra thì công đoàn cơ sở là khâu yếu nhất trong công đoàn hiện nay. Các tranh chấp thường bị đẩy lên công đoàn cấp trên. CPTPP sẽ đòi hỏi công đoàn các cấp phải sát sao, quyết liệt hơn khi đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo các chuyên gia, dù không có CPTPP thì Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, tuân theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. CPTPP sẽ làm tăng trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Đây là sức ép để công đoàn Việt Nam đổi mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, CPTPP sẽ tạo ra những thách thức mới về lao động và môi trường cho Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây chúng ta đã tham gia những công ước quốc tế về lao động và môi trường và đều đảm bảo. Đối với CPTPP, những điều kiện đặt ra về lao động có những yêu cầu cao hơn nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng tổ chức cũng như điều kiện phát triển của chúng ta.
Như vậy, dù còn nhiều thách thức khi Việt Nam bước chân vào sân chơi CPTPP nhưng cơ hội hay thách thức phần lớn phụ thuộc vào sự nỗ lực chuẩn bị của từng ngành nghề, từng DN.