Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 đã giảm 0,27% so với tháng trước; tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước CPI bình quân 11 tháng tăng 4,3%.
Đây là mức giảm lần thứ 2 trong năm 2014. Trước đó, vào tháng 3, CPI giảm do giá cả thường có xu hướng giảm sau tết.
Trong số liệu thống kê kể từ năm 1998 đến nay, rất hiếm khi CPI giảm vào tháng cuối năm trừ năm 2008, khi mà kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng rõ nét của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới. Khi đó, giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm sau đó giảm dần và những tháng cuối năm giảm mạnh do đó đã ảnh hưởng đến giá cả trong nước.
Giải thích nguyên nhân CPI giảm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, CPI tháng 11 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước giảm giá liên tục vào ngày 23/10 và 7/11 khiến giá xăng giảm 1.500 đ/lít, giá dầu diezel giảm 1000 đ/lít, giá dầu hỏa giảm 800 đ/lít nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm khá mạnh (2,75%), đóng góp 0,24% vào mức giảm chung 0,27% của CPI.
Ngoài việc điều chỉnh giá xăng dầu, trong tháng cũng có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giá giảm nhẹ so với tháng trước do nguồn cung dồi dào và giá cước vận chuyển có xu hướng giảm, cụ thể như: thịt lợn giảm 0,04%; thịt gà giảm 1,18%; thịt gia cầm khác giảm 2,33% và giá các mặt hàng đường, bơ, sữa, pho mát giảm từ 0,1 - 0,6%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số nhóm hàng có mức chỉ số giá tăng do thời tiết vào mùa lạnh và đang mùa cưới hỏi nên nhu cầu mua sắm quần áo may sẵn mùa đông tăng lên khiến cho nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,34%. Mặt khác, t hời tiết chuyển lạnh nên nhu cầu mua sắm các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, chỉ số giá lương thực tháng 11 tăng 0,12% so với tháng trước là do thị trường xuất khẩu gạo có nhiều dấu hiệu tích cực, như Philippin đang có nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo giao hàng trong tháng 12, Indonesia cũng có nhu cầu nhập thêm 400.000 - 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm, nên các doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh việc thu mua nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó và dự trữ chờ các hợp đồng mới. Đặc biệt gần đây tiếp tục có một lượng lớn gạo được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá gạo nhích lên.
Trong tháng 11, giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới, bình quân dao động quanh mức 3,5 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Giá đô la Mỹ ở thị trường tự do và ngân hàng đều biến động khá mạnh so với tháng trước và xoay quanh mức 21.350 VND/USD nhưng cung - cầu ngoại tệ chưa thực sự có dấu hiệu căng thẳng. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 21.246 VND/USD.
Dự báo về CPI tháng 12, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng, sẽ giữ ở mức như tháng 11 do sức mua không có nhiều biến động và giá cả các mặt hàng tương đối ổn định.
Thúy Hiền