Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm.
Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%), cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sắt, thép thô tăng 43,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 22,1%; đường kính tăng 18,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 18,5%; thức ăn cho thủy sản tăng 17,8%; ti - vi tăng 17%; thép thanh, thép góc tăng 16%...
Đánh giá về các chỉ số trên, ông Hưng cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).
Mặc dù nhóm ngành khai khoáng giảm 1,3%, nhưng đây là mức giảm thấp so với năm trước (cùng kỳ năm 2017 giảm 6,7%). Trong 6 tháng qua, ngành khai thác khoáng sản có những thuận lợi như giá dầu thô, giá một số loại khoáng sản tăng, tình hình tiêu thụ ngành than tăng hơn so với cùng kỳ, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ, một số loại khoáng sản đã tiêu thụ được lượng tồn kho...
Do đó, hầu hết các đơn vị trong ngành đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trong 6 tháng, tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2018.
Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tuy xu hướng tăng trưởng chậm dần nhưng vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ, giữ vững đà tăng trưởng với mức tăng 12,7% (cùng kỳ tăng 9,7%), tiếp tục khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam, ngành điện tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Tốc độ tăng trưởng điện sản xuất công nghiệp cao hơn cùng kỳ năm trước đạt 11,65% thể hiện sự tăng nhanh của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thời gian qua, ngành điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị xã hội và sinh hoạt của nhân dân, vận hành hệ thống điện cơ bản đảm bảo an toàn, linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, khai thác tối ưu thủy điện - nhiệt điện, đồng thời đáp ứng cấp nước cho khu vực hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để đáp ứng mức tăng trưởng điện, ông Thành cho hay, ngành điện đã hoàn thành và đưa vào phát điện Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 100MW; Hoàn thành việc thử nghiệm, chạy tin cậy và phát điện thương mại các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành điện.
Thời gian tới, ngành điện sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nhà máy điện theo kế hoạch, đồng thời, tập trung giải pháp tăng cường tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng,..., ông Thành nói.
Đánh giá về mức tăng trưởng ngành thép những tháng qua, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Có được sự tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm 2018 chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018, đặc biệt việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành. Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017.
Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp; trong đó, tập trung thúc đẩy sản xuất chế biến chế tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; Đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp công nghiệp…
Đặc biệt, ngành công thương sẽ thực hiện quyết liệt Đề án và Kế hoạch hành động xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém để khơi thông nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp…