Khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, các phương tiện lưu thông khá đông, không xảy ra ùn tắc, di chuyển chậm ở đường Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hồng Hà, Phạm Văn Đồng…
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn từ ngày 29/1 sẽ chậm giờ. Cụ thể, tàu SE26 dự kiến xuất phát tại ga Sài Gòn từ khoảng 12 giờ 30 đến 13 giờ 30 (chậm so với giờ quy định khoảng 1 giờ). Riêng hành khách đi tàu SE22 xuất phát từ TP Hồ Chí Minh ngày 29/1, ga Sài Gòn đã vận chuyển bằng ô tô từ các ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh đến ga Phan Thiết (Bình Thuận) sau đó lên tàu tiếp tục hành trình.
Tính đến chiều 29/1, còn khoảng 4.790 chỗ tàu tuyến Bắc - Nam xuất phát từ ga Sài Gòn trong trước và sau Tết Kỷ Hợi; trong đó, còn khoảng 1.397 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang đến Hà Nội từ ngày 25/1 đến ngày 3/2 (ngày 20 đến 29 tháng Chạp).
Lãnh đạo bến xe miền Tây cho biết, về tình hình 10 ngày phục vụ trước Tết, đã có 85/142 đơn vị vận tải tăng giá vé tỷ lệ dưới 40%, riêng các tuyến khu vực Miền Đông tăng không quá 60% trong 6 ngày từ ngày 27/12 âm lịch đến hết ngày mùng 2 Tết và 37 đơn vị gửi danh sách xe tăng cường 230 xe với 6.916 ghế.
Theo đại diện bến xe miền Tây, cập nhật đến chiều 29/1, số lượng vé bán trước 54.200 vé, số vé còn lại bán qua mạng của các đơn vị có thương hiệu 40.800 vé, khả năng cung ứng của bến xe còn lại 300.000 vé.
Tương tự, tại bến xe Miền Đông, lãnh đạo bến xe cho biết, đơn vị hiện có 200 đơn vị đang đăng ký khai thác tại vận tải hành khách theo tuyến cố định phục vụ Tết Nguyên đán 2019. Tổng lượng vé theo kế hoạch bán ra 533.786 vé. Đến chiều ngày 29/1, số lượng vé đã bán gần 300.000 vé, gồm 288.889 giường nằm, 7.839 ghế ngồi. Hiện vẫn còn hơn 250.000 vé (36.360 giường nằm, 215.523 ghế ngồi) phục vụ người dân đi lại.