Còn nhiều tâm lý e ngại khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại (NHTM) khi triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) của Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được dùng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất gặp nhiều khó khăn. 

Doanh nghiệp e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV gửi về Quốc hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói HTLS 2%. Số liệu của NHNN cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền HTLS tính đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu đề ra. 

Đại diện các NHTM chia sẻ: Nhiều khách hàng từ chối tham gia gói HTLS 2% do ngại thủ tục. Để thực hiện đúng quy định, các ngân hàng phải khắt khe khi thẩm định hồ sơ; mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được HTLS từ nguồn NSNN.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch bày tỏ: Chi phí vốn được giảm 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ tài chính như: Không có dư nợ đang được cơ cấu, không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo… trong khi 2 năm dịch bệnh khiến “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị HTLS 2% vì không đủ điều kiện, cũng có doanh nghiệp đủ điều kiện lại từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.

Thời gian qua, TPBank đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Tuy nhiên vừa qua, ngân hàng mới chỉ hỗ trợ được 3 khách hàng. “Số tiền hỗ trợ lãi suất không được bao nhiêu mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này sẽ gặp nhiều khó khăn”, Tổng Giám đốc TPBank cho biết. Các quy định hiện nay còn chưa chi tiết, cộng thêm tâm lý e ngại của khách hàng nên rất khó để các ngân hàng thực hiện gói hỗ trợ. 

Còn Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Trong quá trình triển khai, Agribank cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, với 96% khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân; để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Chương trình.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40 - 50%/Dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

"Vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điểm 2.4, khoản 2, điều 6 Thông tư 78 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản... Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa", lãnh đạo Agribank cho biết.

Theo NHNN, mặc dù các đối tượng lĩnh vực, ngành nghề được HTLS của Nghị định 31 được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng như một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. 

“Vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình HTLS (gồm chương trình HTLS năm 2009 và một số chương trình HTLS từ NSNN) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã HTLS cho khách hàng. Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ NSNN nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán”, Thống đốc NHNN cho biết.

Chú thích ảnh
Chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn NSNN nên ngân hàng, khách hàng cũng thận trọng hơn trong quá trình thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình HTLS từ NSNN phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nắm bắt thực tế có giải pháp tháo gỡ

Trước những khó khăn trên, NHNN đã thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số NHTM và chi nhánh NHTM tại các địa phương; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố để tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của NHTM, doanh nghiệp.

“Phối hợp Bộ, ngành để chỉnh sửa, giải thích rõ vướng mắc về điều kiện và đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Cuối năm 2022, NHNN sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện chính sách này và sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn”, Thống đốc NHNN cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, gói HTLS 2% có lợi cho doanh nghiệp, ai cũng muốn triển khai nhanh. Tuy nhiên, đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nên chứng từ phải chặt chẽ. Nếu khách hàng không có hóa đơn đỏ, không có đủ chứng từ, thì ngân hàng không thể hỗ trợ. “NHNN yêu cầu các NHTM không được từ chối các khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng, chứ không phải hạ chuẩn cho vay. Do đó, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất, thì phải cung cấp đầy đủ chứng từ cho ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Gói vay 20.000 tỷ đi vào đời sống công nhân
Gói vay 20.000 tỷ đi vào đời sống công nhân

Lần đầu tiên trên thị trường, có một gói cho vay tiêu dùng quy mô lớn, lãi suất được giảm tới 50%, được triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN