Cung cấp thông tin về tình hình kinh tế của thành phố Cần Thơ thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, thông qua nhiều nỗ lực của chính quyền thành phố và các cấp ngành, môi trường kinh doanh của Cần Thơ đã được cải thiện rõ nét, cộng đồng doanh nghiệp được hưởng thành quả của cải cách thông qua việc đơn giản hoá thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Năm 2018 có hơn 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.
Trong thời điểm hiện nay, chính quyền thành phố đang cải cách quyết liệt, từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiến bộ trên thế giới; thúc đẩy hoàn thiện chính quyền điện tử, đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh ứng phó biến đổi khí hậu...
Những nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh mong muốn nhận được những hỗ trợ, tư vấn của Ngân hàng Thế giới và SECO về kinh nghiệm, mô hình tốt trên thế giới. Việc xây dựng thể chế, nội dung các đề án, giải pháp kỹ thuật cụ thể, xây dựng công cụ đánh giá kết quả thực hiện và truyền thông cho cộng đồng, xã hội; đào tạo nguồn nhân lực...
Đối với lĩnh vực thương mại, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, thành phố đặt mục tiêu trong thời gian tới thực hiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá Cần Thơ trên thị trường khu vực và toàn quốc; xây dựng ngành hàng hoá chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để đạt các mục tiêu trên, thành phố tiến hành xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn, vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái, vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học, vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng…
Cần Thơ hy vọng, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ trong việc nghiên cứu thị trường, phát triển đầu ra cho nông sản địa phương; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa và nhất là tiếp cận vay lại nguồn vốn vay thông thường (OCR).
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá cao những tiến bộ về tăng trưởng kinh tế cũng như tiến trình chuyển đổi từ một nền kinh tế nông thôn sang một nền kinh tế đô thị của Cần Thơ.
Ông Dione cho biết, thời gian tới, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới sẽ làm việc với các cán bộ địa phương, cán bộ kỹ thuật và những người nắm giữ thông tin chính để xác định ưu tiên đầu tư và các lĩnh vực phù hợp để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Theo đó, Ngân hàng Thế giới gợi ý Cần Thơ tham gia vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Các chương trình nằm trong dự án gồm: xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp thành phố; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất lúa, rau quả, vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chương trình phát triển kênh sản xuất phân phối tiêu thụ nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín kết hợp du lịch sinh thái...
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Cần Thơ thực hiện kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản địa phương; kết nối doanh nghiệp với các hợp tác xã, các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; cung cấp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt...
Đối với đào tạo nhân lực, ông Dione cho biết Ngân hàng Thế giới sẵn sàng giúp cho các cơ sở đào tạo đại học tại Cần Thơ liên kết với đại học nước ngoài mở rộng giảng dạy kiến thức về xu thế trí tuệ nhân tạo để áp dụng vào mô hình chính quyền điện tử.
Qua đó, góp phần đơn giản hoá quá trình thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp tại các cơ quan nhà nước thành phố. Bên cạnh đó, là đưa nhóm cán bộ trực tiếp sử dụng hệ thống về chính quyền điện tử sang học tập kinh nghiệm tại quốc gia tiến bộ về lĩnh vực này, giúp cán bộ học thêm kỹ năng mới để thực hiện nhiệm vụ chính quyền điện tử suôn sẻ và hiệu quả.
Trưởng đại diện Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam Marcel Reymond nhận định, cũng như các thành phố khác, Cần Thơ đang phải đối mặt với các thách thức của quá trình đô thị hoá. Thời gian tới, Thụy Sỹ cam kết hỗ trợ phát triển đô thị theo hướng bền vững và có khả năng ứng phó cao với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Theo đó, tập trung vào việc nâng cao khả năng ứng phó cho các đô thị; giải quyết các vấn đề ưu tiên như quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng và quản lý thảm hoạ môi trường một cách hiệu quả nhất.
Theo ông Reymond, vấn đề cấp bách hiện nay ảnh hướng đến sự “sống còn” của không chỉ riêng thành phố Cần Thơ mà còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là việc quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở đang ngày các phức tạp và khó kiểm soát.
SECO đề nghị Cần Thơ tăng cường thu thập các số liệu về tài sản công, công trình, dân số, nguy cơ để cùng các nhóm chuyên gia của SECO và Ngân hàng Thế giới xây dựng các quy trình chuẩn về đánh giá tổn thất, thiệt hại; tạo điều kiện cho các cán bộ địa phương lượng hoá ảnh hưởng của thiên tai đối với nền kinh tế và ngân sách địa phương. Chính quyền thành phố cũng cần phân bổ đầy đủ nguồn lực để vận hành và duy trì hệ thống quy hoạch và quản lý rủi ro thiên tai này.
Ông Reymond hy vọng, thông qua các chương trình hỗ trợ ngân sách từ SECO và Ngân hàng Thế giới, Cần Thơ sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc tăng cường khả năng thích ứng đô thị và nhân rộng mô hình ứng phó thiên tai sang các địa phương khác tại Đồng bằng sông Cửu long.