Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính, mặc dù phải chịu ảnh hưởng lớn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng điều đáng mừng là nông dân trồng tiêu ở Chư Sê đã tìm được hướng đi mới trong canh tác. Do đó, bên cạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, hiệp hội còn tập trung mở rộng quảng bá, phát triển thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Nhờ đó, sản lượng hồ tiêu Chư Sê đã góp phần cùng với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam có mặt trên 115 quốc gia, vùng lãnh thổ và giữ vị trí đứng đầu thế giới trong nhiều năm qua với hơn 60% thị phần thế giới.
“Hiện nay, hồ tiêu Chư Sê đã nhận được quyền bảo hộ của 7 nước gồm: Đức, Mỹ, Hà Lan, Luxembourg, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ đã hoàn thành các thủ tục bổ sung, đang chờ cấp bảo hộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã trên địa bàn đã thực hiện đóng gói, gắn nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê, chỉ dẫn địa lý cho tất cả các sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ” – ông Bính chia sẻ thêm.
Gắn bó với cây hồ tiêu hàng chục năm qua, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường và quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ hồ tiêu đạt chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Theo đó, ông Thắng đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Tiêm, Al Bá, Chư Pơng… Tất cả đều được liên kết với người dân để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn với môi trường. Trung bình mỗi tuần, nhà máy cần khoảng 15 tấn tiêu khô để chế biến ra tiêu sọ xuất khẩu sang EU.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho hay, với việc nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hồ tiêu trên địa bàn tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu, sản xuất theo quy trình khép kín, hồ tiêu Chư Sê đã đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị của thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, địa phương sẽ chú trọng hưỡng dẫn việc dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Nguyễn Dũng cho rằng, để nâng cao và phát huy mạnh mẽ thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP song song với xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư quảng bá thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, quan trọng nhất vẫn là duy trì diện tích hồ tiêu theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai. Đồng thời, tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tái cơ cấu ngành hồ tiêu theo hướng thâm canh bền vững và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, đưa Hồ tiêu Chư Sê tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu.
Toàn huyện Chư Sê hiện có 34 cơ sở kinh doanh hồ tiêu, 95 cơ sở thu mua và 4 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến sâu gồm: Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang), Hợp tác xã Hoài Trương (xã Ia Blang), Hợp tác xã Ia Ring (xã Ia Tiêm) và hộ kinh doanh Trúc Phùng (xã Ia Pal). Ngoài ra, còn 2 đơn vị sử dụng nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Chư Sê gắn lên bao bì sản phẩm là Hợp tác xã hữu cơ an toàn FAOS và hộ kinh doanh Trúc Phùng. Riêng sản phẩm tiêu đen hạt, tiêu trắng hạt An Thắng của Công ty TNHH MTV An Thắng Gia Lai đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Với những gì đang có cùng định hướng phát triển, nâng tầm thương hiệu trong giai đoạn mới, hy vọng rằng thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” sẽ phát triển bền vững, mang hương vị và lợi ích đến người tiêu dùng, góp phần đưa huyện Chư Sê trở thành vùng kinh tế động lực năng động và hiệu quả phía Nam tỉnh Gia Lai.