Cơ giới hóa trong sản xuất mía

Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm chủ nhiệm đề tài, có tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng. Dự án có quy mô 90 mô hình/3 năm, với tổng diện tích 1.200 ha. Cơ giới hóa trong sản xuất mía giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, giảm 30 - 35% chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30%, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Dự án được thực hiện từ năm 2011 - 2013 tại các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Gia Lai.

Nhà máy đường Quảng Phú (Công ty CP đường Quảng Ngãi) đang thực hiện cơ giới trong khâu làm đất trồng mía. Ảnh: Thanh Long - TTXVN


Mới đây, bộ phận Khuyến công, Phòng Chuyển giao Thiết bị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, thôn Cộng I và thôn Cộng II, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), thống nhất hình thành Tổ hợp tác với 50 hộ nông dân (6 nhóm) tại thôn Cộng I, và thôn Cộng II (xã Quy Hậu) nhằm thay đổi phương thức sản xuất từ cá thể sang tập thể, quy hoạch lại đồng ruộng, khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún, thiếu lao động thời vụ, đồng thời nâng cao sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị một cách đồng bộ góp phần đảm bảo đảm thời vụ sản xuất trên diện tích trồng mía 40 ha.

Anh Bùi Cao Tường - tổ viên Tổ hợp tác xã Quy Hậu cho biết, bà con nông dân rất vui và phấn khởi khi nhận được các máy làm đất trồng mía. Những sản phẩm này sẽ giúp bà con chủ động trong việc làm đất, giảm chi phí nhân công ở khâu làm đất, giải quyết được khó khăn về nhân lực trong những giai đoạn cao điểm. Tạo điều kiện và cơ hội để người nông dân được tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại nhằm xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mía là một trong những cây trồng quan trọng, với trên 260.000 ha, có khoảng 200.000 hộ trồng, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Trong những năm gần đây, diện tích trồng, năng suất, sản lượng cây mía đã bị giảm nhiều. Hầu hết tại các vùng trồng mía, quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch mía của nông dân vẫn thực hiện bằng thủ công, phải sử dụng lượng lao động lớn, hiệu quả kinh tế không cao, chi phí sản xuất lớn, đời sống phần lớn nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất mía rất quan trọng, cơ giới hóa không chỉ giúp giảm công lao động mà còn tăng năng suất hiệu quả cây mía góp phần phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống người nông dân.

Thanh Thúy - XM

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN