Thưa ông, tập trung đầu tư công các dự án trọng điểm vừa là cách thức để bảo đảm hiệu quả đầu tư, vừa tạo cơ hội đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trong bối cảnh hậu COVID-19 và nhiều biến động thị trường thế giới, trong nước phức tạp, khiến đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị hạn chế vì nhiều lý do khác nhau, gắn với lãi suất cao và thu hẹp thị trường đầu ra, dòng đầu tư công là nguồn lực bổ sung quan trọng nhất giúp duy trì động lực và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sinh kế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước.
Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm trước hết là để bảo đảm đủ vốn cho việc triển khai liên tục và sớm hoàn thành dự án, để đưa vào khai thác trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công còn hạn chế. Điều này không chỉ bảo đảm tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh của dự án đầu tư, mà còn tạo tác dụng lan toả của đầu tư công với các đầu tư xã hội “ăn theo” đầu tư công. Thay vì lâu nay chỉ phát triển các dự án kinh tế - xã hội riêng lẻ của mỗi địa phương, hiện nay cần ưu tiên các dự án trọng điểm, liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng.
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ chủ trương đầu tư lấy nguồn vốn đầu tư công làm “vốn mồi” cho các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, triển khai có trọng tâm, tập trung và ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình (nhất là hạ tầng, giao thông) trọng điểm, cấp bách; cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí; tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định; xóa bỏ cơ chế ”xin cho”, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021 - 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 9 tháng năm 2023, giải ngân đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên giải ngân đầu tư công 9 tháng vượt trên 50%.
Tuy nhiên năm nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nặng nề hơn khi số vốn được giao theo kế hoạch trên 700.000 tỷ đồng cho các địa phương. Hiện vẫn còn một khối lượng lớn khoảng 40% kế hoạch vốn 2023 cần thực hiện để đạt được mục tiêu tại Chỉ thị 08 đề ra và giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự cải thiện đáng kể những tháng gần đây nhờ nhiều nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ, nhưng vẫn còn dưới mức kế hoạch. Theo ông đâu là những nguyên nhân?
Việc giải ngân đầu tư công chậm do chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến chưa phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao và một số bất cập chưa thể khắc phục triệt để trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Công tác lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, quy trình khi thực hiện dự án bằng vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian chuẩn bị dự án; lạm phát, giá nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị tăng cũng ảnh hưởng việc thực hiện dự án...
Các bộ, ngành, địa phương cần linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023; rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bố sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Trước mắt, tập trung giải quyết ngay việc điều hòa nguồn vốn cho dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông và các dự án trọng điểm khác, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án; rà soát kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; chủ động các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc gây nghẽn mạch công tác giải ngân, nhất là trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; khắc phục các bất cập chính sách, xung đột về lợi ích, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế; sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng theo tinh thần Công điện số 780/CĐ-TTg ngày 3/9/2023 của Thủ tướng.
Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần giao từng đầu việc cụ thể cho mỗi sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, từ đó thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công từ sớm, từ xa; chủ động tập trung chỉ đạo xử lý các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia; thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Các bộ ngành, địa phương phải đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo Quyết định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo tôi, cần có hình thức phù hợp, kịp thời để tuyên truyền, động viên, khích lệ, khen thưởng các tập thể, cá nhân, tạo khí thế mới, nâng cao tinh thần thi đua sôi nổi lao động sản xuất tại các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!