Để hiểu rõ hơn về mặt bằng giá cả hàng hoá, dịch vụ đang chịu tác động từ những yếu tố nào, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết, về cơ bản, mặt bằng giá cả hàng hoá, dịch vụ đang chịu tác động từ những yếu tố nào?
Mặt bằng giá cả hàng hoá dịch vụ phụ thuộc vào mức giá bình quân của các mặt hàng chiến lược, hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu của các ngành sản xuất. Nhu cầu tiêu dùng và cân đối cung - cầu các hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong hình thành mặt bằng giá hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, mức giá thế giới của các loại hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tác động rất mạnh đến mặt bằng giá cả đối với nền kinh tế có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Thưa ông, trong 7 tháng năm 2022, những hàng hoá và dịch vụ nào quyết định mức lạm phát của nền kinh tế?
Tổng cục Thống kê vừa công bố trong 7 tháng qua lạm phát của nền kinh tế ở mức 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng giá tiêu dùng bình quân của 7 tháng năm nay, giá xăng dầu thế giới vẫn là yếu tố đầu tiên tác động tới giá cả hàng hóa, dịch vụ và tiếp tục tác động trong thời gian tới vì giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.
Bình quân 7 tháng năm nay giá xăng dầu trong nước tăng 49,75%, tác động làm CPI tăng 1,79 điểm phần trăm trong mức tăng 2,54%. Giá dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm do lo ngại về suy giảm sản xuất của các nước, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn cung dầu thế giới không dồi dào nên giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.
Bên cạnh xăng dầu, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Giá gas 7 tháng năm nay tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Trong 2 tháng gần đây, giá lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là giá lợn hơi đã tăng cao theo giá thức ăn chăn nuôi. Trong tháng 7/2022, giá thịt lợn đã tăng 4,29% so với tháng trước làm chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,6%, tác động làm CPI tăng 0,34 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới hiện nay vẫn đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu cho sản xuất do đó đã và đang tác động tới mức lạm phát của kinh tế nước ta.
Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Chính phủ về điều hành giá trong thời gian vừa qua?
Trong thời gian qua Chính phủ luôn chủ động, phối hợp hiệu quả với Quốc hội xử lý khẩn trương, đầy trách nhiệm trong điều hành giá hàng hoá và dịch vụ để kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Chẳng hạn đối với xăng dầu, Chính phủ đã trình Quốc hội 2 lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu xuống mức giá sàn. Gần đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo kịp thời khi giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo để tránh tình trạng tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.
Một loạt các nhóm hàng và dịch vụ có tác động lớn tới lạm phát cũng được kiểm soát rất chặt chẽ, như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, điện chưa tăng giá theo lộ trình.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống phân phối, bán lẻ có tổ chức luôn chủ động đưa ra các giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, giữ ổn định giá các hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.
Đặc biệt ngày 31/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679 về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể cho từng loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, tác động mạnh đến lạm phát của các tháng còn lại trong năm, đảm bảo cân đối cung cầu để kiểm soát thành công mục tiêu lạm phát 4% của năm nay.
Mục tiêu quan trọng được đặt ra lúc này là phải đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả. Thuận lợi và thách thức để thực hiện mục tiêu này là gì thưa ông?
Về thuận lợi, phần lớn các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế chúng ta chủ động được nguồn cung như: lương thực, thực phẩm; dịch vụ giáo dục, y tế, điện và các loại hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động, linh hoạt tìm kiếm và đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá và dịch vụ cho nhu cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với một số thách thức, đó là: Nguyên, nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung của thế giới và phụ thuộc vào một số ít thị trường. Khi các thị trường này có những biến động bất thường sẽ tác động rất mạnh tới đảm bảo cung cầu của kinh tế nước ta.
Đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với bất ổn địa chính trị chưa được khắc phục và chưa có hồi kết cũng là thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như đối với kinh tế thế giới nói chung.
Đặc biệt, thiếu hụt lao động đang làm đau đầu cộng đồng doanh nghiệp, cản trở chính đối với doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may không dám ký thêm đơn hàng với các đối tác nước ngoài vì không tuyển đủ lao động.
Để phát huy thuận lợi, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ trong Chương trình; đồng thời, rà soát, xác định những khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp, tránh để lỡ cơ hội, lỡ nhịp đối với kinh tế nước ta.
Xin cảm ơn ông!