Đó là nhận định của ông Atsusuke Kawada, Chuyên gia kinh tế trưởng kỳ cựu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.
Ông đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng dưới thời chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhất là trong lĩnh vực kinh tế? Theo ông, Thủ tướng Abe đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy các mối quan hệ này?
Tôi cho rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã duy trì và phát triển quan hệ kinh tế rất tốt với ASEAN. Trong khi đó, quan hệ kinh tế với Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ, với sự tăng trưởng vượt trội về giá trị trao đổi thương mại hai chiều, sự gia tăng của dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và sự luân chuyển gia tăng của dòng người đi lại giữa hai nước.
Đáng chú ý, số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã tăng đáng kể. Nếu nhìn vào số lượng công ty thành viên của Phòng Thương mại Nhật Bản ở khu vực ASEAN, số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (VJBA) đã vượt xa số lượng công ty thành viên của Phòng Thương mại Nhật Bản ở Bangkok (Thái Lan), nơi đã từng có số lượng công ty thành viên lớn nhất (trong khu vực ASEAN). Tôi cho rằng các công ty Nhật Bản đã quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe.
Bên cạnh đó, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất nổi bật, không chỉ trong việc phát triển hạ tầng cứng như Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội, đường cao tốc nối sân bay này với thủ đô Hà Nội hay cầu Nhật Tân, vẫn thường được biết tới là Cầu Hữu nghị Nhật - Việt, mà còn trong việc phát triển hạ tầng mềm như việc thành lập Đại học Việt - Nhật.
Bản thân Thủ tướng Abe đã đóng góp rất lớn trong việc tạo lập môi trường giúp các công ty Nhật Bản có thể dễ dàng tiến hành các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức và xây dựng mối quan hệ cá nhân rất tốt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam.
Sau khi Thủ tướng Abe thông báo ý định từ chức vào cuối tháng trước, dư luận ở nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, rất quan tâm tới việc liệu chính quyền mới ở Nhật Bản có thay đổi chính sách đối ngoại với khu vực này hay không. Ông dự báo gì về chính sách đối ngoại của Nhật Bản với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng dưới thời chính quyền mới? Theo ông, Việt Nam và Nhật Bản cần làm gì để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế?
Tôi nghĩ rằng chính phủ mới ở Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại với Việt Nam giống như chính sách dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe. Nguyên nhân là vì Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác là những đối tác rất quan trọng đối với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Đối với ASEAN, thông qua các cuộc đối thoại thường niên, các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và các nước ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn đang trong giai đoạn điều chỉnh cuối cùng, tôi cho rằng về tổng thể, quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ tiếp tục được tăng cường và làm sâu sắc hơn.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật - Việt trong lĩnh vực kinh tế, tôi nghĩ rằng cần phải đẩy mạnh trao đổi nguồn nhân lực giữa hai nước, và xây dựng mối quan hệ tương hỗ và hai bên cùng có lợi. Và tôi cũng hy vọng rằng số lượng các dự án đầu tư của các công ty Việt Nam ở Nhật Bản sẽ tăng.
Liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực, các công ty ở Nhật Bản - quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số - cần thêm các lao động chăm chỉ và tài giỏi của Việt Nam, trong khi người lao động Việt Nam có thể tiếp thu nhiều công nghệ và kiến thức trong quá trình làm việc tại Nhật Bản. Trong khi đó, liên quan tới hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản, các công ty Việt Nam có thể sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản trên cơ sở tận dụng sự gia tăng của số lượng người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản.
Vào đầu năm nay, nhiều chuỗi cung ứng của Nhật Bản đã bị gián đoạn vì sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Gần đây, ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản dự định hoặc đã di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này? Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút các công ty đó?
Quả thật, có một số công ty ở Trung Quốc đã có các động thái di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung hay dịch COVID-19. Xu hướng này, được gọi là “Trung Quốc+1” trong hơn 10 năm qua, chủ yếu do sự gia tăng về chi phí nhân công và các chi phí khác ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng có một số trường hợp, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và/hoặc dịch COVID-19 đã hỗ trợ cho xu hướng “Trung Quốc+1”.
Việt Nam là điểm đến rất ưa thích để đầu tư đối với các công ty Nhật Bản. Tôi hình dung rằng xu hướng “Trung Quốc+1” sẽ tiếp tục, nhưng nhìn chung, Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty Nhật Bản.
Để thu hút các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Nhật Bản, điều quan trọng đối với Việt Nam là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để cải thiện cơ cấu công nghiệp, có vẻ như Việt Nam cần thu hút các công ty nước ngoài sử dụng nhiều công nghệ và tri thức đầu tư vào hoặc xung quanh các khu vực đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, và các công ty sử dụng nhiều lao động đầu tư vào khu vực nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu đó, điều quan trọng là các tỉnh, thành của Việt Nam phải cạnh tranh với nhau để nâng cao sự hấp dẫn với tư cách là điểm đến đầu tư, và lựa chọn kỹ lưỡng các công ty tham gia vào thị trường.
Xin chân thành cảm ơn ông!