Chuyển đổi sản xuất xanh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU

Ngày 13/11, tại hội thảo “Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm thúc đẩy sang Liên minh châu Âu (EU)” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ triển vọng thị trường và khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng với các đối tác EU của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo. 

Đồng thời, cung cấp đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với quy định, chính sách mới và đề xuất chiến lược thúc đẩy chuyển đổi xanh phù hợp xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, EU là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, vai trò của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), giúp tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ EU.

Ông Lê Hoàng Tài cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang tích cực thực hiện những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh. Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp), xúc tiến thương mại, đầu tư vào công nghệ xanh, và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía EU, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) có vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách bền vững, đồng thời cũng mang lại những thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam như từ Cơ chế điều chỉnh Carbon biên giới (CBAM), Quy định chống phá rừng (EUDR)…

Chú thích ảnh
Chuyên gia cung cấp thông tin thương mại Việt Nam - EU.

Tuy nhiên, việc tuân thủ các tiêu chuẩn mới này không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà cũng mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể sự hợp tác giữa EU và Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và chuyển giao công nghệ… thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon của cả hai bên.

Liên quan đến những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt từ các rào cản ESG của EU, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu với 3 khủng hoảng chính là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải, hiệu quả tài nguyên và bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa những chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chiến lược như Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, chương trình hợp tác quốc tế… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Laurent Lourdais, Phó trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, những tiêu chuẩn khắt khe mà EU áp dụng đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu hiện nay tập trung vào các quy định như CBAM và EUDR. Để duy trì sự hiện diện tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng châu Âu.

Với vai trò là doanh nghiệp nước ngoài, ông Ömer Oktay, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhập khẩu Voicevale (Anh) đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu sản phẩm tiêu chuẩn xanh. Với nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường EU đối với sản phẩm bền vững, Việt Nam có nhiều lợi thế khai thác từ nguồn nguyên liệu phong phú đến cam kết mạnh mẽ với phát triển xanh, cũng như đảm bảo tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng của EU nói chung và Anh nói riêng, mà còn gia tăng giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Các đơn vị hợp tác xuất khẩu nông sản, thực phẩm qua nền tảng số hiện đại. 

Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (INTEC) thuộc Cục Xúc tiến Thương mại, Công ty Tridge (Hàn Quốc), Công ty CP Xúc tiến Thương mại Đa kênh Việt Nam (TOPVN) cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam thông qua các nền tảng số hiện đại. Ngoài ra, các bên cam kết hợp tác xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam, giúp doanh nghiệp quản lý và khai thác hiệu quả thông tin, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: Mỹ Phương  (TTXVN)
Những lưu ý với doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường châu Á
Những lưu ý với doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường châu Á

Chiều 5/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á nhằm chia sẻ về tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực cũng như tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN