Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như thủy sản các loại tăng 12,3%; cơm dừa nạo sấy tăng gần 14%; nước cốt dừa tăng gần 19%, dệt may tăng 12,8%. Đáng chú ý, cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng hàng thô và gia công.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre đạt khoảng 1,5 đến 1,7 tỷ USD. Qua làm việc với các đơn vị xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2024 của tỉnh sẽ đạt kế hoạch đề ra. Trong số này, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa phấn đấu đạt khoảng 500 triệu USD vào cuối năm.
Đến nay, tỉnh Bến Tre có hơn 100 sản phẩm chế biến từ dừa công nghiệp xuất khẩu sang 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong 9 tháng năm 2024, Bến Tre đã xuất khẩu 22 triệu trái dừa sang các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, với giá khá tốt.
"Tới đây, Sở Công Thương Bến Tre sẽ phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và hình thành vùng sản xuất dừa tập trung, củng cố lại chuỗi giá trị dừa để làm sao duy trì các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc", ông Nguyễn Văn Bé Sáu nhấn mạnh.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho biết, hiện tại, công ty đã xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới với công suất khoảng 30-40 container dừa tươi mỗi tháng. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu khoảng 3 triệu trái dừa tươi sang thị trường các nước.
Hiện tại, mã vùng trồng của công ty đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng của công ty để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Trung Quốc, ông Thuật chia sẻ.
Riêng việc xuất khẩu dừa tươi chính ngạch sang Trung Quốc, hiện tại ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu và người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng xuất khẩu dừa tươi trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, trong tháng 9, phía Trung Quốc đã cử đoàn qua đánh giá, kiểm tra vùng trồng dừa Bến Tre. Qua đó, có 13 vùng trồng đã được đoàn kiểm tra chấp nhận, để có khả năng trong tháng 10/2024 sẽ xuất khẩu dừa tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, đến nay, tỉnh có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng điều kiện về sản xuất, đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi, với diện tích gần 8.400 ha, của trên 12.800 hộ sản xuất.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tạo đà để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu được tỉnh triển khai thường xuyên. Ngành chức năng tỉnh kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình hình hoạt động tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc và của các nước; triển khai đến các đối tượng có liên quan như doanh nghiệp, nông dân,… các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Hàng năm, tỉnh tổ chức, giới thiệu và làm đầu mối cho doanh nghiệp tham gia các diễn đàn, hội thảo, khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường; đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường trong nước và quốc tế.
Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản. Nhiều sản phẩm của Bến Tre như cá tra, nghêu, tôm, các sản phẩm từ dừa và trái cây được khách hàng Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Đông… ưa chuộng. Đến nay, thị trường xuất khẩu của Bến Tre được mở rộng đến 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và có mặt ở các thị trường khó tính với khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Á, châu Mỹ, châu Âu, còn lại là châu Đại Dương và châu Phi.