Chuyển đổi năng lượng xanh sẽ tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp

Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm. Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn…

Theo ông Giang, tiêu chuẩn xanh chỉ là một trong những tiêu chuẩn, không phải tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu, nên việc nhiều đơn hàng hay ít thời gian của ngành không phụ thuộc vào vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

“Khi đối tác nước ngoài đặt hàng thì những tiêu chuẩn đưa ra theo COP 26 là một trong những điều kiện được hướng đến, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chú trọng đầu tư vào môi trường làm việc cho công nhân, đây là yếu tố tác động sẽ hiệu suất làm việc”, ông Giang chia sẻ.

Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra. 

“Thực tế hiện nay, ngành dệt may đã và đang phải cạnh tranh rất lớn với các nước nên trên thế giới về thị trường và sản phẩm, việc tạo ra thêm chi phí sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh”, ông Giang nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, cũng như yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí. 

Ngoài ra, theo ông Nam, thực hiện được các tiêu chí này thì Việt Nam sẽ được các điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.

Với ngành hàng thủy sản hiện có gần 900 nhà máy trên toàn quốc có quy mô công nghiệp, trong đó hầu hết là đông lạnh. Những vấn đề quan trọng nhất bao gồm việc cấp đông – đưa nhiệt độ xuống -40 độ C để bảo quản sản phẩm. Cùng với đó là ngành trữ đông (kho lạnh), với hầu hết các kho lạnh đều sử dụng điện 380V. Nhu cầu năng lượng là rất lớn trong khi doanh nghiệp thuỷ sản phải thực hiện nhiều cam kết với khách hàng về môi trường.

 

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.Trong thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài.

Với các ngành sản xuất còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

“Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Đại diện VCCI cho biết, VCCI sẽ có tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp gửi các cơ quan chức năng để xem xét, điều chỉnh cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh được phát triển rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.

Thu Trang/Báo Tin tức
Ứng dụng công nghệ Hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh
Ứng dụng công nghệ Hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh

Sáng 7/3, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Trung tâm ASEAN - Nhật Bản; Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ Hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN