Bên lề sự kiện ra mắt Sách trắng 2022-2023 ngày 16/2 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại Hà Nội, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tại tỉnh Bình Thuận) cho hay, điện gió ngoài khơi sẽ là nguồn năng lượng thiết yếu để chuyển đổi xanh của Việt Nam. Hiện tại, tài nguyên gió ngoài khơi của Việt Nam chưa được khai thác và việc thiết lập ngành công nghiệp tạo ra nhiều lợi ích so với các ngành năng lượng tái tạo khác. Điện gió ngoài khơi đặt tại khu vực biển, cần ít đất trên bờ, không ảnh hướng đến đất nông nghiệp, nhà ở... Ngoài ra, công suất tạo ra từ điện gió ngoài khơi cao hơn và mang lại hiệu quả năng lượng nhiều hơn cho Việt Nam, khi được mở rộng quy mô, được hỗ trợ bởi khung pháp lý phù hợp.
Các nhà phát triển và nhà đầu tư trong, ngoài nước đều mong muốn đầu tư vào điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Vì vậy, các quy định pháp luật của Việt Nam nên thừa nhận việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thiết lập các thủ tục đủ điều kiện và minh bạch đối với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.