Từ năm 2015 - 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ như Quỹ Môi trường Toàn cầu, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, UNIDO thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
"Mô hình sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò khi được nhân rộng trên cả nước với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan. Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" chính là sự kế thừa mô hình khu công nghiệp sinh thái trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình ra phạm vi cả nước, từ Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ đến Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thêm.
Theo ông Iso Sieber, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, Thụy Sỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện; trong đó chú trọng chuyển đổi các khu công nghiệp từ truyền thống sang sinh thái toàn cầu. Đây là mô hình giúp Việt Nam xây dựng "kinh tế xanh", thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng như phù hợp với cam kết của Chính phủ Thụy Sỹ trong cấp độ toàn cầu là thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững ở các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam.
Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp UNIDO thực hiện trong 3 năm (2020 - 2023). Dự án nhằm hỗ trợ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C - TP Hải Phòng), Khu công nghiệp Khánh Hòa (Đà Nẵng), Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ) và Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh). Mô hình khu công nghiệp sinh thái nhằm cải thiện hiệu quả tài nguyên và cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội cho các doanh nghiệp.