Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, hiện 3 tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều tình huống khẩn cấp như gia tăng xâm nhập mặn, khan hiếm nguồn nước, sinh kế, chất lượng gạo; chuỗi giá trị lúa gạo nơi đây hiện tại có hiệu quả kinh tế thấp, đặc biệt là với các nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có diện tích lúa gieo trồng từ 600.000 – 620.000 ha/năm chỉ sau tỉnh Kiên Giang. Trong sản xuất lúa, tỉnh quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như quy trình 3 Giảm 3 Tăng, 1 Phải 5 Giảm, IPM, SRP.... Từ đó năng suất lúa trung bình các vụ của tỉnh đạt trên 6,5 tấn/ha, với sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm.
“Mặc dù đã triển khai các giải pháp về kỹ thuật và tổ chức, nhưng sản xuất lúa của An Giang còn sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới… ảnh hướng chi phí sản xuất. Song song đó, diện tích tham gia liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn khoảng 30.000 – 35.000 ha/vụ, 100.000 ha/năm so với diện tích gieo trồng lúa của tỉnh”, ông Thịnh thông tin tại hội thảo.
Theo ông Thịnh, hiện do tác động của biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Qua các năm, năng suất lúa gần như tăng không đáng kể. Dự án TRVC triển khai tại An Giang sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo của tỉnh và cũng phù hợp với việc tỉnh tham gia đề án “Phát triển bền vững một triêu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Dự án TRVC được Tổ chức phát triển Hà Lan SNV chọn thực hiện tại 3 tỉnh trồng lúa trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp trong giai đoạn 2023 - 2027. Dự án TRVC hỗ trợ cho An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương; giúp các tỉnh chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững; cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự án kỳ vọng dự án TRVC triển khai tại An Giang sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo của tỉnh các giá trị lớn về thương hiệu. Dòng sản phẩm lúa gạo được sản xuất với trách nhiệm về môi trường cũng như việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính sẽ đặt nền móng vững chắc thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia dự án.
Bà Trần Thu Hà, giám đốc Dự án TRVC cho biết, dự án dự án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp liên kết với khoảng 200.000 nông hộ nhỏ, 50-60 hợp tác xã ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang với kỳ vọng đến năm 2027 sẽ hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp cho trên 200.000 ha.
Theo bà Hà, dự án sẽ giúp giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào, giảm 20-30% phân bón và thuốc trừ sâu hóa học; giảm 20-40% lượng nước tiêu thụ; giảm 200.000 tấn CO2 và đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân. Toàn bộ kết quả của dự án sẽ đóng góp trực tiếp vào mục tiêu Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Dự án TRVC sẽ được triển khai vụ mùa đầu tiên là vụ lúa Hè Thu năm 2024. Dự án sẽ cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt trị giá 57 tỷ đồng cho 5 tổ chức, cá nhân tham gia đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập.