Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố rất mong muốn được hợp tác ngày càng nhiều hơn với Tập đoàn SunRice trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo ông Dương Tấn Hiển, thành phố Cần Thơ là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất tự nhiên hơn 140.000 ha; trong đó, 79% là diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 75.000 ha. Do sản xuất mỗi năm từ 2-3 vụ nên hàng năm nông dân gieo trồng lúa đạt khoảng 215.000 ha lúa với tổng sản lượng hơn 1,3 triệu tấn. Thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng là lúa gạo với sản lượng xuất khẩu hàng năm chiếm 95% cả nước; thủy sản và trái cây xuất khẩu chiếm từ 70-75% cả nước. Thành phố Cần Thơ có 37 doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Năm 2023, xuất khẩu gạo của thành phố Cần Thơ đạt 976.000 tấn, tăng 23% so với năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu gạo của thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng trưởng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, khó khăn lớn nhất của thành phố Cần Thơ hiện nay cũng như cả vùng ĐBSCL đó là hệ thống giao thông chưa đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay Trung ương đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng, trong đó nổi bậc là việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ; đang đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, đang nâng cấp, mở rộng và tăng cường các chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Cần Thơ và trong tương lai sẽ tiếp tục đầu tư tuyến đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Cần Thơ…Qua đó, sẽ tháo gở khó khăn về hệ thống giao thông.
Đối với phương hướng phát triển, thành phố Cần Thơ sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đầu tư vào chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và Cần Thơ cũng sẽ là nơi sản xuất giống nông nghiệp cho ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ cũng sẽ chuyển đổi một số nơi từ sản xuất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp để làm các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển thương mại, dịch vụ. Định hướng đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn chiếm 50%. Những khu vực sản xuất nông nghiệp phải là những cánh đồng lớn trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Thành phố Cần Thơ cũng đang tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Thành phố Cần Thơ đã đăng ký 50.000 ha ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025 thành phố đăng ký 30.000 ha, giai đoạn đến năm 2030 tăng thêm 20.000 ha.
Cũng theo ông Dương Tấn Hiển, Cần Thơ cũng như cả vùng ĐBSCL sản xuất ra lúa gạo nhiều nhưng đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi hiệu quả sản xuất lúa gạo không cao, nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không có kế hoạch nên dễ dẫn đến tình trạng "trúng mùa rớt giá" hay "thất mùa thì được giá". Tập đoàn SunRice có bề dày kinh nghiệm trong vấn đề trồng lúa, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chế biến, tiêu thụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm cho người nông dân nên thành phố Cần Thơ rất mong được hơp tác với Tập đoàn để nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân. Chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn đến nghiên cứu, đầu tư lắp đặt nhà máy tại thành phố để hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo ở Cần Thơ. Qua đó giúp Cần Thơ có thể học tập kinh nghiệm nhiều hơn trong cách quản lý, giúp cho thành phố Cần Thơ nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo cũng như nâng cao đời sống của người nông dân…
Theo ông Paul Joseph Serra, Giám đốc Điều hành Tập đoàn SunRice, Tập đoàn SunRice được hình thành từ các nông hộ, hợp tác xã phát triển trồng lúa gạo. Cho đến hiện tại, việc trồng lúa vẫn còn là hoạt động chính của Tập đoàn. Hiện tại, Tập đoàn SunRice đã có mặt trên 50 quốc gia và nhãn hàng SunRice đứng thứ nhất ở thị trường Australia và New Zealand, một số thị trường Trung Đông và các đảo khu vực Thái Bình Dương. Tập đoàn mong muốn tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp trồng lúa gạo bền vững mà Chính phủ Việt Nam vừa triển khai đồng thời mong muốn đóng góp tích cực vào sự thành công của dự án. Tập đoàn nhận thấy tiềm năng, chất lượng lúa gạo sản xuất tại Việt Nam nhờ kinh nghiệm, thổ nhưỡng, đất đai rất phong phú nên muốn đóng vai trò đưa gạo Việt Nam vào các thị trường cao cấp. Hiện tại, Tập đoàn chưa có nhà máy chế biến gạo đặt tại Cần Thơ nên cũng mong muốn đầu tư nhà máy đặt tại thành phố Cần Thơ để góp phần đưa gạo Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ và Châu Âu...
Ngoài làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, trong chuyến công tác tại ĐBSCL, lãnh đạo Tập đoàn sẽ đi thăm Viện lúa ĐBSCL và các mô hình thử nghiệm trồng các giống lúa có chất lượng cao để có thể đưa vào sản xuất sau này.