Mai vàng Yên Tử được biết đến là loài hoa linh thiêng gắn với quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hoa có năm cánh, màu vàng chanh tươi, cánh hoa hình rẻ quạt, mỏng, viền cánh hoa lượn sóng và xếp thưa, tách rời nhau, hoa có mùi thơm dịu, không hắc. Mai vàng Yên Tử phân bố ở dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều (nằm trên địa bàn thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí của Quảng Ninh và một phần đất của tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang).
Hoa Mai vàng Yên Tử khoe sắc trong Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN |
Bên cạnh yếu tố quý hiếm và đẹp, mai vàng Yên Tử còn được coi là loại hoa gắn với tâm linh mang lại nhiều điều tốt lành, may mắn cho người chơi. Chính vì vậy, loài cây này ngày càng bị khai thác triệt để và hiện đang phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt, đặc biệt là với những cây mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm rải rác trên dãy Yên Tử, nhất là những cây mai cổ thụ trong quần thể Di tích - danh thắng Yên Tử. Theo thống kê, hiện trong tự nhiên chỉ còn khoảng 300 cây mai vàng Yên Tử cổ thụ.
Trước nguy cơ bị mai một, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực tìm biện pháp bảo vệ các cây mai vàng cổ không còn nhiều trong tự nhiên, đồng thời mở rộng diện tích trồng mai vàng Yên Tử ngay trong nhân dân.
Ông Hoàng Đông Bắc ở thôn Trại Mới A, xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) là một trong số ít người ở Quảng Ninh đã phối hợp với các trung tâm khoa học để bảo tồn nguồn gen quý của giống mai này. Ông cùng một số bạn bè thành lập Hợp tác xã Mai Vàng Ngọa Vân Yên Tử do ông làm Giám đốc. Sau hơn 10 năm thu mua, trồng, nghiên cứu và lai tạo, Hợp tác xã này đã có 2.000 cây mai lâu năm và khoảng 5 vạn cây mai vàng được nhân giống bằng cách gieo hạt được trồng trên diện tích lên tới 10 ha.
Ông Bắc cho biết, năm 2016, doanh thu của Hợp tác xã Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử đạt 1 tỷ đồng từ việc bán các cây mai được trồng theo cách nhân giống, lai tạo. Những cây mai này đều có giá cao, từ 5 - 15 triệu đồng/cây.
Ông Trần Mạnh Chuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử chia sẻ: Ngoài việc tự bỏ tiền túi ra mua lại mai từ những người khai thác trong tự nhiên, các thành viên hợp tác xã còn tìm cách nhân giống để cung cấp cho thị trường, mong muốn góp phần hạn chế được tình trạng khai thác mai vàng Yên Tử trong tự nhiên.
Ở thành phố Uông Bí, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc trong việc bảo tồn và phát triển giống mai vàng Yên Tử quý hiếm. Dự án phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử được triển khai từ cuối năm 2012 với tổng mức đầu tư trên 8,2 tỷ đồng do UBND thành phố Uông Bí là chủ đầu tư; Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh (Viện nghiên cứu rau quả Trung ương) làm đơn vị tư vấn và Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm là đơn vị triển khai.
Đến năm 2015, Uông Bí đã hình thành được vườn giống mai vàng Yên Tử rộng 2 ha. Vườn mai này đã ươm tạo được 30.000 cây mai cung cấp cho thị trường. Đến nay, thành phố Uông Bí mở rộng thêm 5 ha trồng mai trong nhân dân, cũng như tại khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học và các điểm công cộng trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Dược , Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Hiện các cây mai cổ thụ trong tự nhiên đã được lập hồ sơ quản lý cụ thể gồm: ảnh chụp, mô tả từng cây về sinh trưởng và phát triển; số hóa tọa độ từng cá thể cây mai vàng cổ thụ bằng vệ tinh (GPS), đồng thời xây dựng bản đồ số phân bố của cây mai vàng Yên Tử trong tự nhiên để từ đó theo dõi sát sao các cây mai vàng cổ thụ…
Mai vàng Yên Tử đã được Nhà nước công nhận là Chỉ dẫn địa lý theo văn bằng bảo hộ số 00040 ngày 18 tháng 12 năm 2013 theo quyết định số 3463/QĐ/SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc Nhà nước ghi nhận mai vàng Yên Tử là Chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với việc loài cây này đã trở thành tài sản quốc gia, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề không chỉ với chính quyền địa phương và nhân dân Quảng Ninh trong việc bảo tồn, phát triển cây mai vàng Yên Tử.