Sau khi "loạng choạng" lên xuống bất nhất vào đầu phiên, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt "đỏ sàn" vào phiên chiều 19/11, do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ, bất chấp việc chỉ số Dow Jones leo lên mức cao kỷ lục mới trong phiên trước.Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 37,74 điểm, tương đương 0,25%, xuống 15.126,56 điểm, sau khi đồng USD đã tuột khỏi ngưỡng 100 yên/USD và tiếp tục mất giá, gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu tại đất nước "Mặt Trời mọc". Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng mất 31,8 điểm (0,59%), đóng cửa ở mức 5.352,9 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại tăng 20,83 điểm (1,04%), lên 2.031,64 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng đi xuống của thị trường chứng khoán khu vực, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau lùi bước, giữa bối cảnh kế hoạch cải cách chi tiết của Trung Quốc sau Đại hội trung ương 3 khóa XVIII vừa kết thúc vào ngày 12/11 đã tuyên bố sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, việc nhiều nhà đầu tư tạm "nghỉ xả hơi" sau tuần lên điểm sôi động trước đó cũng đẩy các chỉ số chứng khoán đi xuống. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt mất 4,09 điểm (0,19%) và 2,25 điểm, xuống 2.193,13 điểm và 23.657,81 điểm.
Phiên trước (ngày 18/11), Phố Wall lại biến động không đồng nhất, chấm dứt chuỗi ngày lên điểm từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong phiên này, chỉ số Dow Jones vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục, sau khi lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 16.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng lần đầu chạm mức 1.800 điểm, mặc dù sau đó đã thụt lùi về cuối phiên.
Chốt phiên chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 14,32 điểm, tương đương 0,09%, lên 15.976,02 điểm, sau khi có lúc "vọt" lên mức 16.030,28 điểm vào giữa phiên. Mặc dù không duy trì được mức tăng mạnh, song đây vẫn là tín hiệu lạc quan đối với thị trường cổ phiếu Mỹ, khi chỉ số Dow Jones liên tục thiết lập các mức cao kỷ lục trong vài phiên gần đây. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại lần lượt hạ 6,65 điểm (0,37%) và 36,90 điểm (0,93%), xuống còn 1.791,53 điểm và 3.949,07 điểm, sau lời cảnh báo của nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn về triển vọng của thị trường chứng khoán.
Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại đua nhau khởi sắc, khi đồng euro tiếp tục lấn lướt đồng USD và tâm lý của giới đầu tư được trấn an bởi đà đi lên tại Phố Wall trong vài phiên gần đây. Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,45%, lên 6.723,46 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,66%, lên 4.320,68 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tiến 0,62%, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại 9.225,43 điểm.
* Chiều 19/11, giá dầu đi xuống, trong bối cảnh những lo ngại về khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ làm lu mờ sự hỗ trợ từ tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Libya .
Vào lúc 14 giờ 36 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2014 giảm 37 xu xuống 108,10 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 12/2013 giảm 11 xu xuống 92,92 USD/thùng.
Các nhà phân tích nhận định giá dầu đã chịu sức ép sau khi các quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh về sự cải thiện của kinh tế Mỹ. Thông tin này đang làm dấy lên lo ngại FED có thể bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE3).
Tuy nhiên, chuyên gia Yusuke Seta thuộc Newedge Japan cho rằng giá dầu Brent sẽ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ bình luận của bà Janet Yellen, người được Tổng thống Barack Obama đề cử vào chức FED nhiệm kỳ tiếp theo, rằng sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng.
Phiên trước, giá dầu thế giới đi xuống, với giá dầu tại Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, trước thông tin nguồn cung trong nước "dư dả".
Minh Trang-Trà My