"Hiện tổng thầu đang tiếp tục đào tạo, hướng dẫn thực hành các bộ phận nhân sự chuyên ngành của dự án để tiến tới vận hành thử toàn hệ thống", đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Theo chuyên gia giao thông, khi vận hành thử toàn hệ thống sẽ gồm toàn bộ các hạng mục như: tần suất chạy tàu, vận hành tại nhà ga, Depot...; trong đó, các đoàn tàu phải đạt tần suất 2 phút lại có một đoàn tàu cập nhà ga theo thiết kế dự án.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đơn vị tiếp nhận khai thác dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng cho biết, nhân sự của đơn vị này cũng đang được chuyên gia đào tạo thực hành, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác theo chương trình của dự án. Đến nay, chưa có kế hoạch về vận hành thử toàn hệ thống.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu từ ga Cát Linh, điểm cuối đến ga Yên Nghĩa. Dọc tuyến có 12 nhà ga trên cao gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa.
Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chở gần 1.000 khách, vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác thương mại 35km/giờ. Các đoàn tàu chạy bằng điện, với thiết kế tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.
Các đoàn tàu được điều khiển bằng công nghệ thông tin, tín hiệu tự động. Dựa trên các thông tin tín hiệu thu, phát tự động, trung tâm chỉ huy hệ thống tự động ra lệnh cho đoàn vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu. Tàu có chế độ lại tự động và bán tự động. Hệ thống cũng tự động khống chế tốc độ của tàu để đảm bảo giữ khoảng cách ổn định giữa các đoàn tàu.