Phát biểu tại Hội nghị được tổ chức trực tuyến, ông Joe Kaeser cho rằng, châu Á không chỉ có Trung Quốc, mà Việt Nam và Indonesia cũng là những lựa chọn đầu tư quan trọng. Ông Joe Kaeser nhấn mạnh nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư rất mạnh vào Việt Nam, trong khi Đức cũng đã đẩy mạnh việc đào tạo nghề kép ở Việt Nam để có những lao động lành nghề cung cấp cho thị trường lao động. Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm kiếm hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Joe Kaeser cũng cho biết, ngoài Ấn Độ - quốc gia sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới, Indonesia cũng là một điểm lựa chọn, bởi quốc gia với 300 triệu dân này có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Theo ông Joe Kaeser, các công ty và chính giới Đức nên thúc đẩy việc đào tạo lực lượng lao động ở nước này như đã làm trước đây với Trung Quốc.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier đã kêu gọi các công ty nước này ở châu Á nên tìm kiếm nhiều giải pháp thay thế trong việc kinh doanh nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực. Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh đại dịch COVID-19 cho thấy các chuỗi cung ứng không cân bằng sẽ dẫn tới sự phụ thuộc và dễ bị gián đoạn.
Ông Altmaier nêu rõ, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng ở Trung Quốc đã xảy ra những tắc nghẽn trong việc đặt hàng hóa vật tư y tế. Trong khi đó, các nước châu Á khác xử lý dịch bệnh tốt đã có lợi thế, giành được sức tăng trưởng sớm và các doanh nghiệp Đức cần tận dụng điều này. Theo ông, các nước xử lý khủng hoảng COVID-19 một cách quyết liệt chính là những nước đầu tiên có thể đứng vững trở lại về kinh tế.
Bộ trưởng Altmaier nêu rõ Đức ủng hộ chính sách toàn cầu hóa, đồng thời muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ông Altmaier cũng cho rằng Đức cần phải xây dựng "khả năng phục hồi lớn hơn" cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Phát biểu trực tuyến với hội nghị qua truyền hình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nêu rõ hiện 75% lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang châu Á có đích đến là Đông Á, trong đó một nửa xuất sang Trung Quốc.
Theo bà Merkel, các doanh nghiệp Đức vẫn còn nhiều cơ hội để đa dạng hóa và thâm nhập các thị trường trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà Merkel khẳng định tiềm năng to lớn trong quan hệ kinh tế với các nước châu Á, song nhấn mạnh điều quan trọng là các doanh nghiệp cần được đối xử bình đẳng, đảm bảo sự minh bạch, tính pháp lý và quyền sở hữu trí tuệ.
Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương được tạo lập từ năm 1986 nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Đức với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đại dịch COVID-19, hội nghị năm nay lần đầu tiên được diễn ra dưới dạng trực tuyến. Theo Bộ Kinh tế liên bang Đức, hội nghị thảo luận về hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19, việc hiện đại hóa chính sách thương mại, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến lược số hóa ở châu Á và châu Âu.