Phát biểu tại buổi tiếp, ông Alexander Feldman chúc mừng những thành công của Chính phủ Việt Nam trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nhằm tạo môi trường an toàn cho người dân sản xuất, kinh doanh. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh; mong muốn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm từng bước hoàn thiện hơn nữa chính sách, môi trường đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam tiếp tục đường lối đổi mới, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước giúp Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA). Đây là những FTA có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Việc tham gia các FTA này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội mới cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Về tình hình kinh tế của Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Năm vừa qua, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp... Đặc biệt năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam thiết lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỉ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỉ USD. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam lọt vào "top" 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy “Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ” vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là về kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ phát triển tại thị trường Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ, là cầu nối quan trọng trong kết nối cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Chính phủ và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam rất chú trọng phát triển khoa học - kỹ thuật, các ngành kinh tế mũi nhọn. Hoa Kỳ là cường quốc khoa học hàng đầu, các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn được coi là những người tiên phong về khoa học, công nghệ và chất lượng với các công ty nổi tiếng như GE, Apple, Intel, Microsoft, Boeing...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội Việt Nam ủng hộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp thông lệ quốc tế và các cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.