Doanh nghiệp và nông dân đều bị độngTheo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, nông nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển hiệu quả như mong muốn. Bà con nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, dễ dẫn đến khủng hoảng thừa, một số nông sản phải chung tay giải cứu nhưng vẫn không hiệu quả.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn vẫn bị động trong việc tạo ra nguồn nông sản có chất lượng. Các doanh nghiệp chủ yếu là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chưa liên kết với nông dân để tạo ra những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi… Do vậy mà thu nhập của cả nông dân lẫn doanh nhân đều chưa ổn định.
Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), nông nghiệp Việt Nam muốn bứt phá phải có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp phải chủ động, nông dân phải tham gia liên kết thì nông nghiệp mới không bị rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.
Tuy nhiên, theo ông Báo việc tạo ra liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân là rất khó khăn. “Chúng tôi mua giống từ một hợp tác xã, doanh nghiệp đã nghiệm thu từng bao giống để cho vào kho. Nhưng sau đó, số giống này được đưa đi kiểm nghiệm để sản xuất lại không đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính là do chủ nhiệm hợp tác xã đã đem giống của nhà mình trộn vào kho", ông Báo nêu ví dụ.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: H.V
|
Bên cạnh đó, ông Báo cũng kiến nghị Nhà nước tháo gỡ các chính sách về thuế, đất đai, bảo hiểm nông nghiệp. Vai trò của Nhà nước phải là trung tâm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Về vấn đề đất đai, bà Trần Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinaseed cho rằng, doanh nghiệp nông nghiệp muốn hoạt động phải có đất. Do vậy, cần sửa đổi luật đất đai về chính sách hạn điền, để doanh nghiệp có đất sản xuất và thể làm tài sản để vay vốn kinh doanh.
Bà Liên ví dụ, “Chúng tôi thuê 20ha đất của 460 hộ nông dân trong 20 năm. Chúng tôi đã trả tiền trước cho nông dân nhưng không có giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đó. Đồng nghĩa với việc đất đai và tài sản trên đất không thể thế chấp ngân hàng để có vốn đầu tư”, bà Liên nói thêm.
Còn theo ông Võ Quang Huy (Doanh nghiệp ở Long An), chính sách của Nhà nước hiện nay được đưa ra nhằm quản lý nhiều hơn là phát triển sản xuất. Khi làm chính sách phải am hiểu nông nghiệp và nông dân hơn. Hiện nay, nhiều chính sách đã lỗi thời hàng chục năm nhưng vẫn tồn tại.
Gỡ khó đầu ra cho nông sản
Về phía nông dân, ông Nguyễn Văn Toàn, Hội Nông dân Hà Nội cho biết, Nhà nước phải có định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp và nông dân phù hợp hơn. Ví dụ, cho thuê đất trang trại 5 năm thì không thể làm được, vì chưa làm xong đã phải trả đất. Bên cạnh đó, cần ưu tiên về tín dụng cho nông dân. Vì các doanh nghiệp lớn có nguồn tài chính mạnh nhưng nông dân trang trại rất khó khăn trong việc vay vốn. Đặc biệt, nỗi lo nông sản không có đầu ra, sản xuất không biết bán cho ai, đó là điều khó khăn nhất với đa số nông dân hiện nay.
Cùng quan điểm này, nông dân Trần Minh Sơn (nông dân sản xuất giỏi tại Ninh Bình) cho biết, người nông dân vất vả nhưng kết quả lại không như mong muốn. Ví dụ nông dân nuôi lợn, bán ra 1kg lợn bằng 1 mớ rau. Nếu doanh nghiệp hợp tác tốt với nông dân chắc chắn sẽ cải thiện vấn đề đầu ra cho nông dân.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, vấn đề liên kết trong nông nghiệp ngày càng trở lên rất quan trọng. Nếu để hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này. Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thu gom nông sản thô, nên rất bị động, sản phẩm không đồng đều, số lượng, chất lượng hàng hóa bấp bênh…
Do vậy, theo ông Lại Xuân Môn, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà trước hết bảo đảm cho người nông dân có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.