Ông đánh giá như thế nào về diễn biến tăng giá của cà phê trong thời gian gần đây?
Tình hình xuất khẩu cà phê trong 8 tháng năm 2023 đạt kết quả tích cực, với 1,2 triệu tấn, trị giá 2,96 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá so với mức cùng kỳ 8 tháng năm 2022.
Đặc biệt, châu Âu là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 44% tổng trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023; trong đó, nhiều quốc gia tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam so với cùng kỳ năm 2022 như: Hà Lan tăng 57,6%; Italy tăng 20,5%; Ba Lan tăng 27%; Nga tăng 8,1%…
Các khu vực thị trường khác cũng đều có mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2022, như khu vực châu Mỹ tăng 18,6%. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt tăng trưởng trên 10%.
Đặc biệt, khu vực ASEAN tăng 21,9%; trong đó, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng tốt như: Indonesia và Singapore tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022; Thái Lan tăng 45,2%.
Về giá xuất khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá cà phê trung bình tháng 8 tăng 29,7% và giá trung bình 8 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung sản phẩm cà phê của Việt Nam đã có sự tiến bộ về chất lượng, nâng cao về giá trị. Cùng với đó, thị trường cà phê toàn cầu trong những tháng đầu năm cũng phải đối mặt với nhiều diễn biến có ảnh hưởng đến nguồn cung như tác động của khí hậu, biến động địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực châu Âu… tạo cơ hội cho cà phê Việt Nam.
Ở thị trường trong nước tại thời điểm này, giá cà phê nhân cũng đang được ghi nhận ở mức cao, một phần do niên vụ cũ đã qua lâu, vụ mới chưa tới. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2022-2023 có thể giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, xuống khoảng 1,47 triệu tấn.
Xin ông cho biết diễn biến này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước?
Nhìn chung, cà phê Việt Nam hiện tại đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… với một vị thế nhất định.
Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do khi tất cả các thị trường đã ký kết đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%.
Tuy nhiên, ngành cà phê không thể tránh khỏi ảnh hưởng của diễn biến thị trường hàng hóa thế giới như nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị ảnh hưởng do tình trạng lạm phát tăng cao; tác động của biến động địa chính trị; sản lượng bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, giá cả nguyên liệu đầu vào…; cạnh tranh tăng cao giữa các nước sản xuất cà phê như Brazil, Indonesia.
Tôi ch rằng các tác động này đều sẽ có thể ảnh hưởng lên giá cà phê trong thời gian tới, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin từ thị trường, kịp thời điều tiết hoạt động kinh doanh.
Ông có khuyến nghị thế nào với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thời gian tới trước những diễn biến trên?
Về triển khai xuất khẩu trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình thương mại hàng hóa thế giới nhiều biến động, nguồn cung cà phê đang tích cực trở lại do các nước tăng xuất khẩu và thị trường cà phê trong nước sắp vào vụ (trong khoảng 2 tháng nữa). Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và có phương án kinh doanh phù hợp, dài hạn, tránh bị động và hạn chế rủi ro khi thị trường có điều chỉnh về giá.
Về phát triển thị trường, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nêu tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 đã chỉ rõ mục tiêu đa dạng hóa thị trường phải hướng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn và khai thác các thị trường còn tiềm năng cũng cần hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.
Do đó, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, nghiên cứu thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu sang các khu vực thị trường mới.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước trong xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động xuất khẩu thuận lợi.
Về các giải pháp dài hạn, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng các yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu. Cùng đó, doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê để chiếm thị phần và nhận diện của người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tập trung chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng vào sản phẩm xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo hàng nông sản Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng trên thị trường thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!