Chủ công ty sản xuất máy thở thành tỉ phú giàu nhất Singapore

Nhà sáng lập hãng sản xuất máy thở Mindray, ông Li Xiting, trở thành tỉ phú giàu nhất Singapore nhờ nhu cầu về thiết bị y tế tăng vọt trong đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Sau đại dịch, tài sản của tỉ phú Li Xiting đã tăng gần gấp ba lần, lên 23 tỉ USD. Ảnh: SCMP

Theo tờ Straits Times, nhà sáng lập hãng sản xuất máy thở Mindray Bio-Medical Electronics (có trụ sở ở Thâm Quyến), tỉ phú gốc Trung Quốc nhập tịch Singapore, ông Li Xiting, đã lần đầu tiên chiếm vị trí đầu trong Danh sách người giàu nhất Singapore của Forbes năm 2021, nhờ giá trị tài sản ròng tăng vọt giữa đại dịch COVID-19, đạt 23 tỉ USD.

Trong khi đó, ông Anthony Tan, đồng sáng lập của siêu ứng dụng Grab, là một trong ba gương mặt mới được bổ sung vào danh sách 50 người giàu nhất “đảo quốc sư tử” do Forbes bình chọn. Hai cái tên còn lại là Tiến sĩ Shi Xu, người sáng lập công ty giải pháp công nghệ nano Nanofilm, và Zhao Changpeng, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Sàn giao dịch tiền điện tử Binance.

Tổng giá trị tài sản ròng của 50 người giàu nhất Singapore đã tăng 25% lên 208 tỷ USD trong năm nay, với 42 người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên.

Sở hữu công ty sản xuất máy thở ở Thâm Quyến, ông Li Xiting đã chứng kiến cổ phiếu của công ty tăng khoảng 19% kể từ năm ngoái do nhu cầu về thiết bị y tế tăng vọt trong đại dịch COVID. Trong năm 2020, cũng nhờ giá cổ phiếu tăng, Li Xiting đã chiếm vị trí thứ hai trong danh sách người giàu nhất Singapore. Trong một năm qua, doanh nhân gốc Hoa nhập tịch Singapore đã bổ sung khoảng 5,2 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của mình. Nếu so với thời điểm tháng 6/2019, khi tài sản ròng của Li Xiting mới ở mức 8,5 tỉ USD thì qua đại dịch, ông đã tăng gần gấp 3 lần tài sản.

Một bước ngoặt đóng góp vào thành công của Li Xiting là vào tháng 3/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp máy thở của Mindray, góp phần đưa công ty này nhanh chóng thâm nhập thị trường Mỹ. Đến tháng 4/2020, thời điểm ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở châu Âu, Mindray tiếp tục nhận hàng loạt đơn đặt hàng từ "cựu lục địa", sau đơn hàng đầu tiên gần 10.000 máy thở và màn hình giám sát từ Italy.

Trong khi đó, nhà đồng sáng lập Grap, Anthony Tan, cũng là Chủ tịch tập đoàn phân phối xe hơi Tan Chong Motor của Malaysia, đặt mục tiêu niêm yết tại Mỹ thông qua một thương vụ mua lại giúp định giá công ty vào khoảng 40 tỷ USD. Trước đây, ông Tan từng là người giàu nhất Malaysia. Con đường dẫn đến thành công của Grab được xây dựng dựa trên văn hóa vững mạnh, tập trung vững chắc vào khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Ông Li Xiting (hàng đầu, bìa trái) và những nhân vật khác trong tốp giàu nhất Singapore. Ảnh: Straits Times 

Nhân vật mới trong bảng xếp hạng, Tiến sĩ Shi Xu đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng vọt sau khi Nanofilm được niêm yết vào năm ngoái. Công ty đã ký một thỏa thuận với nhà đầu tư quốc doanh Temasek vào tháng 7 vừa qua để đầu tư vào một liên doanh nhằm khám phá các giải pháp sử dụng hydro làm nguồn năng lượng.

Đứng thứ hai trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore năm nay là nhà đồng sáng lập Facebook kiêm đầu tư mạo hiểm Eduardo Saverin, trong khi ông trùm sản xuất sơn Goh Cheng Liang đứng thứ ba. Công ty Wuthelam Holdings của ông Goh đã giành quyền kiểm soát phần lớn cổ phần của nhà sản xuất sơn lớn nhất Nhật Bản Nippon Paint trong một thương vụ trị giá 12 tỷ USD được hoàn tất vào tháng 1 năm nay. Thương vụ này góp phần làm cho giá trị tài sản ròng của ông tăng 3,8 tỷ USD, lên 18,6 tỷ USD.

1/5 trong số những người được liệt kê trong ấn bản tháng 8 của Forbes Châu Á là các ông trùm công nghệ, cho thấy những nỗ lực của Singapore trong việc thúc đẩy một môi trường có lợi cho các công ty khởi nghiệp. Họ là những người có tài sản tăng mạnh nhất trong danh sách theo tỷ lệ phần trăm, với tổng tài sản là 29,3 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi tổng giá trị ròng 12,6 tỷ USD chỉ một năm trước.

Trong khi đó, ông Zhang Yong và bà Shu Ping của chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao, những người được xếp hạng nhất trong danh sách năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ tư trong năm nay khi giá trị tài sản ròng của họ giảm xuống còn 16 tỷ USD từ 19 tỷ USD trong năm 2020.

Cổ phiếu của Haidilao International Holding đã sụt giảm trong những tháng gần đây, phản ánh những thách thức mà ngành nhà hàng toàn cầu đối mặt trong thời kỳ đại dịch. Hồi tháng 7, cổ phiếu của Haidilao đã giảm 32% trong vòng 5 ngày, khiến công ty có hoạt động tồi tệ nhất trong năm nay trên Chỉ số Hang Seng của Hong Kong.

Cặp Zhang Yong và Shu Ping cũng nằm trong số 7 người có khối tài sản sụt giảm lớn nhất trong năm qua trên danh sách của Forbes châu Á.

Giá trị tài sản ròng tối thiểu để lọt vào danh sách năm nay là 735 triệu USD, tăng từ 610 triệu USD trong năm ngoái. Giá trị tài sản ròng của những người tham gia được tính dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại thị trường đóng cửa vào ngày 26/7/2021.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lý giải 'nghịch lý' tỉ lệ nghèo ở Mỹ giảm mạnh trong đại dịch
Lý giải 'nghịch lý' tỉ lệ nghèo ở Mỹ giảm mạnh trong đại dịch

Đại dịch COVID-19 càn quét kinh hoàng khắp nước Mỹ, làm trên 635.000 người tử vong, gây tê liệt đời sống kinh tế và xã hội. Nhưng điều kỳ lạ là tình trạng nghèo đói ở nước này lại giảm rất mạnh trong năm 2020, thậm chí có thể xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN