Cùng với nhóm chuyên gia trên, Tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) đã đưa gần 100 người sang dự án. Trong đó, hơn 30 người sẽ hoàn thành cách ly để theo dõi y tế phòng dịch COVID-19 trong ba ngày tới.
“Các nhân sự của Tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công… Dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống trong tuần đầu tháng 12/2020, thời gian vận hành 20 ngày”, Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết thêm, quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, Ban Quản lý dự án sẽ yêu cầu Tổng thầu tiếp tục khắc phục.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, đi trên cao và có 12 nhà ga và 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa và có sức chở 960 người. Đơn vị quản lý dự án trước đây lên kế hoạch vận hành thử hệ thống vào đầu năm 2020 (sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), song do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Tổng thầu chưa thể huy động được đầy đủ nhân sự sang Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, căn chỉnh các chuyên ngành kỹ thuật thành phần để vận hành thử toàn hệ thống.
Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, theo Ban Quản lý dự án đường sắt, để dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, còn phải trải qua các khâu: đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp), nghiệm thu nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và UBND TP Hà Nội có quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.