Khởi động chuyến xe OCOP từ tháng 4/2023, với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản địa phương và nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP, đến nay, hoạt động đã trải dài xuyên suốt 14 tỉnh thành, từ Bắc Cạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)... đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, nâng tầm hơn nữa quy mô chương trình trong giai đoạn tới.
Với sự hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng nhà sáng tạo và nhà bán hàng, người dùng và các chủ thể doanh nghiệp, chương trình đã tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm OCOP, góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp.
Theo đại diện BTC, hành trình 6 tháng đã mang tới những kết quả ấn tượng. Tính đến quý IV/2023, đã có hơn 800 phiên LIVE gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện, thu hút hơn 300 triệu lượt xem, và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.
Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, TikTok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan toả rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền. Hashtag #OCOP cũng không ngừng phát triển, với hơn 850 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại. Những kết quả khả quan này còn được ghi nhận từ các khoá hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị, giới thiệu bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business do TikTok tổ chức cho hơn 3.000 người bán đến từ hơn 30 tỉnh thành trên toàn quốc.
Ngoài ra, chiến dịch "Cùng TikTok và OCOP tìm hiểu thêm những món ăn đặc trưng với hashtag #DacSanVietNam", đã thu hút hơn 600 triệu lượt xem với hơn 10.000 video đăng tải. Cuộc thi cũng mang đến cho người dùng cơ hội tương tác, trao đổi và chia sẻ các giá trị văn hoá vùng miền từ tên gọi, nguồn gốc đến cách chế biến, hay gợi ý món ngon từ những nguyên liệu dân dã,...
Đặc biệt, với kỳ vọng phát huy sự sáng tạo của cộng đồng, TikTok cũng tích cực phối hợp với địa phương cùng các đối tác MCN như Vitamin Network, DC Media, Hotcom, Kolin, PTG, ACCESSTRADE... tổ chức 25 chợ phiên để tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn địa phương đến cộng đồng và bạn bè quốc tế như: Bí xanh Ba Bể - Bắc Cạn, Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, Mận Phiêng Khoài - Nhãn Sông Mã Sơn La, Nông sản trong mây (Macca, Sầu Riêng) - Lâm Đồng; Xứ sở Sen Hồng (#cayxoainhatoi) - Đồng Tháp, Chiến dịch "Con hươu nhà tôi" - Hà Tĩnh, và tổ chức livestream các sự kiện tại Triển lãm nông nghiệp...
Hơn nữa, TikTok và các đối tác như Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ NN & PTNT, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đã và đang thí điểm xây dựng giải pháp số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.
Song song đẩy mạnh quảng bá du lịch, TikTok tiếp nối và ươm mầm phát triển kinh tế địa phương và chủ thể OCOP với chương trình Hạt Giống OCOP trên TikTok Shop. Khi các chủ thể tham gia chương trình, ngành hàng F&B TikTok Shop sẽ phối hợp trực tiếp cùng doanh nghiệp địa phương trau dồi, rèn luyện kỹ năng livestream, đánh giá kết quả và hướng dẫn tối ưu sau mỗi phiên livestream. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ các chính sách khác trong Chương trình Hạt Giống OCOP.
Trong 2 tháng đẩy mạnh chương trình, TikTok đã ươm mầm thành công hơn 40 doanh nghiệp và chủ thể OCOP với những phiên live khởi điểm từ vài triệu lên đến vài trăm triệu chỉ trong vài giờ livestream, điển hình như Thịt chua Trường Foods, Mật ong Phương Di, Tú Trinh Foods, với doanh thu tăng trưởng hơn 120%. Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao đã đạt top ngành hàng F&B như trà cà gai leo, bún phở sấy dẻo, long nhãn ôm sen.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, xác định là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Việc hợp tác với TikTok đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp".
Còn ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Là trung tâm kinh tế mũi nhọn của cả nước, TP Hồ Chí Minh tập trung đa dạng các đơn vị kinh doanh và hàng hóa từ khắp cả nước, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của các bên trong việc hợp tác, thúc đẩy đào tạo nâng cao năng lực và chuyển đổi kỹ thuật số tư duy cho các chủ thể bán hàng nông sản. Thông qua chương trình, hàng trăm chủ thể OCOP và nhà bán nông nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ và quảng bá nông sản trên nền tảng số. TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, TikTok và các đơn vị liên quan để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại số cho các sản phẩm OCOP nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung".Sự kiện Chợ Phiên OCOP tại Cần Giờ cũng triển khai 6 phiên key LIVE diễn ra đồng thời từ 9-13h ngày 21/10, do đối tác MCN TikPlus Việt Nam và ngành hàng F&B TikTok Shop thực hiện.
Với sự tham gia của 11 doanh nghiệp hợp tác xã và gần 30 nhà sáng tạo và nhà bán hàng tiêu biểu như Thiện Nhân, Huyền Phi, Trung & Sen Đá, Huyền Huho, Ba Thức Food, Món Lạ Vườn Nhà, Chill An Giang, Robis... phiên LIVE đã tiếp cận 16 triệu người với hơn 350.000 lượt xem, doanh số sản phẩm bán ra đạt hơn 900 triệu đồng.
Các video đăng tải về sự kiện OCOP Cần Giờ tiếp cận được 20 triệu lượt xem sau 1 ngày đăng tải.